5 dấu hiệu báo động của tuổi trung niên

  •  
  • 1.913

Cuộc sống bận rộn, ít thời gian quan tâm đến sức khỏe nên khi có một vài dấu hiệu bất thường nho nhỏ, người ta thường bỏ qua. Đây là sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhất là với người đã bước sang tuổi trung niên.

Các chuyên gia cho rằng, người trung niên nên đến bác sĩ nếu có một trong 5 dấu hiệu sau:

Yếu nửa người thoáng qua

4 dấu hiệu ung thư da: không đối xứng, bờ không đều, thay đổi màu sắc, đường kính lớn hơn đầu tẩy bút chì (Ảnh: NLĐ, VNE)
Nếu yếu nửa người rõ ràng, kéo dài thì ai cũng để ý và đi khám bệnh, nhưng khi yếu nửa người thoáng qua rồi bình thường trở lại thì hầu như ai cũng xem thường. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Võ Thành Nhân, Trưởng khoa Tim mạch học can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, hãy cẩn thận với triệu chứng này vì đó có thể là dấu hiệu của chứng thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh (động mạch dẫn máu lên não).

Càng cần quan tâm nếu người bệnh là nam trên 55 tuổi hoặc nữ trên 65 tuổi, có kèm theo triệu chứng tê một bên mặt, tự nhiên lú lẫn, nói chuyện không được, rối loạn nhìn (một hay hai bên mắt), đi lại khó khăn, mất khả năng kết hợp vận động, nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân... Trường hợp thiếu máu não kéo dài, không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong.

Hẹp động mạch cảnh thường xảy ra trên người có yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch như: béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, ít vận động, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu.

Hồi hộp, đánh trống ngực

Người bình thường ai cũng có đôi lần hồi hộp, đánh trống ngực, nhất là sau khi dùng chất kích thích (trà, cà phê, rượu, thuốc lá...), ăn quá nhiều hoặc bị stress. Nhưng khi triệu chứng này xuất hiện ngày càng nhiều thì nên coi chừng vì đó là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Theo tiến sĩ Võ Thành Nhân, việc phân biệt “hồi hộp bình thường” và “hồi hộp bất thường” cũng khá đơn giản, chỉ cần làm điện tâm đồ và liệu pháp gắng sức thì mọi chuyện rõ ràng. Có nhiều bệnh lý tim mạch dẫn đến hồi hộp, đánh trống ngực, nhưng ở người nam trên 55 tuổi và nữ trên 65 tuổi thì cần lưu ý đến bệnh mạch vành.

Vết lở loét trên da không lành

Không ít người xem thường dấu hiệu này bởi vết loét không đau nhức, diễn tiến chậm. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu của ung thư da, nhất là khi vết loét xuất hiện ở vùng da phơi nắng, trên một người 50 tuổi và làm nghề lao động chân tay ngoài trời.

Thạc sĩ Hồ Xuân Vương, chuyên khoa da liễu, cho biết triệu chứng ung thư da còn có thể là một mụn ruồi lớn nhanh bất thường, ngứa, đậm màu, bờ không rõ. Khi thấy biểu hiện này, bạn nên đến một bác sĩ chuyên khoa da liễu để được làm sinh thiết tế bào. Ung thư da thường dễ điều trị, nhưng nếu xem thường thì bệnh dẫn đến di căn, khả năng khỏi bệnh rất thấp.

Rong huyết bất thường

Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, nhiều phụ nữ có dấu hiệu này cho rằng đó là hậu quả của “làm việc nặng”, “đi xe dằn xóc”. Thực ra, đây là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung - bệnh ở phụ nữ lập gia đình trên 30 tuổi, thường gặp ở tuổi 40-50, nhất là ở những phụ nữ nhiều con.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rong huyết, nhưng trước hết hãy nghĩ đến ung thư cổ tử cung vì khi phát hiện sớm, bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Ho, nặng ngực

"Ít người nam nào đi khám bệnh chỉ vì ho đơn thuần, nhất là khi ngày nào cũng ho lai rai, bởi họ đổ thừa là do thuốc lá" - thạc sĩ Đỗ Thị Tường Oanh, Trưởng khoa B2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP HCM, cho biết. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu này, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, vì đây có thể là biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đặc biệt khi người bệnh ở tuổi trung niên, hút thuốc lâu năm, ho cả ngày, ít khi chỉ xuất hiện về đêm.

Ngoài thuốc lá, COPD còn xuất hiện bởi bụi và hóa chất nghề nghiệp, ô nhiễm không khí trong nhà hay ngoài trời, đặc biệt có thể do hít khói thuốc lá... do người khác hút. Nếu phát hiện sớm, COPD hoàn toàn có thể được cải thiện. Nhưng nếu để trễ, bệnh nhân sẽ bị tàn phế hô hấp và chất lượng cuộc sống giảm rất nhiều.

Theo Người Lao Động, Vnexpress
  • 1.913