Hathor, Venus, Clíodhna... là những vị thần đại diện cho tình yêu và sắc đẹp trong các thần thoại...
Hathor là nữ thần bầu trời, tình yêu, niềm vui của người Ai Cập, nàng là con gái của thần Mặt trời Ra. Hathor thường xuất hiện dưới dạng một con bò thần với hai chiếc sừng nâng giữ đĩa Mặt trời và đeo chuỗi vòng cổ Menat, hoặc là một người phụ nữ xinh đẹp với đầu bò cùng đôi mắt thần của Ra.
Nữ thần Hathor thường hay chăm sóc các bà mẹ và trẻ con. Tuy có khả năng tiêu diệt loài người nhưng Hathor luôn nuôi dưỡng người sống và dẫn đường người chết xuống âm phủ.
Tại đây, bà làm cho họ tỉnh táo lại bằng thức ăn và thức uống lấy từ cây sung dâu mà người ta cho là hiện thân của bà. Các cỗ quan tài của vua chúa cũng đều được làm từ cây sung dâu, với sự tin tưởng hoặc hy vọng rằng, cái chết chẳng qua chỉ là một sự trở về với lòng mẹ mà thôi.
Theo thần thoại Hy Lạp, Eros là vị thần tình yêu. Thần Eros luôn mang bên mình một cây cung và những mũi tên ái tình. Khi Eros bắn mũi tên vàng vào ai thì người đó ngay lập tức sẽ yêu người khác giới đầu tiên gặp được nếu không phải là người có quan hệ huyết thống hay họ hàng. Còn khi Eros bắn mũi tên đồng sẽ khiến một người ghét cay ghét đắng người khác phái đầu tiên gặp được.
Lúc bấy giờ dưới trần gian có một cô công chúa nước nọ tên là Psyche sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, dân chúng say mê cô đến mức không còn thiết tha gì việc thờ phụng nữ thần Aphrodite nữa.
Điều này khiến nữ thần khó chịu và ghen ghét, Aphrodite sai con trai xuống phù phép cho Psyche phải yêu một người đàn ông xấu xí nhất thế gian. Thế nhưng vừa bước vào phòng Psyche đang ngủ, Eros đã rụng rời trước vẻ đẹp kiều diễm của nàng.
Hình ảnh thần Eros bên vợ - nàng Psyche xinh đẹp
Chàng nhờ thần Apollo ban cho một lời sấm truyền giả và cuối cùng cưới được nàng Psyche xinh đẹp. Nhưng Psyche không bao giờ nhìn thấy mặt chồng. Chồng nàng chỉ đến với nàng ban đêm và rất dịu dàng.
Sau rồi nghe lời khích của hai cô chị, Psyche đã lén thắp đèn nhìn mặt chồng. Phát hiện rằng nàng lén nhìn mình, Eros tức giận bỏ đi. Hối hận, Psyche đi khắp nơi tìm chồng, cuối cùng, trải qua bao gian nan, thử thách, Psyche và Eros cũng sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Theo thần thoại Bắc Âu, Freya là nữ thần hiện thân cho tình yêu, sắc đẹp và sự sinh sôi nảy nở của muôn loài. Thường xuất hiện dưới dáng hình của một thiếu nữ xinh đẹp, tóc dài, mặc đồ trắng dài, Freya còn giúp đỡ con người bằng những phép thuật siêu phàm mình có.
Nàng là con gái của thần Njord và có một người anh trai là thần thịnh vượng Freyr. Nữ thần Freya thường chu du thiên hạ trên cỗ xe do những chú mèo kéo.
Nàng Freya xinh đẹp còn nổi tiếng với lòng chung thủy vô bờ với chồng là Ódr - người sau này biến thành quái vật biển và bị hạ sát. Cảm thông trước nỗi đau mất chồng của Freya, các vị thần đã cho Ódr hồi sinh, hai người về sau sinh hạ hai người con gái là Hnoss và Gersemi.
Venus là vị thần trong thần thoại La Mã, tương đương với thần Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp. Ban đầu, Venus là vị thần bảo trợ của các khu vườn và thực vật, sau đó, nàng trở thành hiện thân của tình yêu và sắc đẹp. Venus mang đến sự vui thích và mùa xuân ấm áp cho con người và các thần.
Nàng là con gái của thần Jupiter và có người con trai là thần tình yêu Cupid (thần Eros trong thần thoại Hy Lạp). Mặc dù là nữ thần của tình yêu nhưng Venus là con người hiện thân cho sự thanh khiết. Nàng chỉ có một cuộc tình với thần chiến tranh Mars khi còn trẻ và sau này làm vợ của thần lửa Vulcan.
Nữ thần Clíodhna là một trong những vị thần được sùng bái của người Ireland. Nàng được biết đến là nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và nữ hoàng của nữ thần... báo tử - người đứng đầu thế giới bên kia.
Clíodhna thừa hưởng vẻ đẹp của cha - thần biển Gebann nên được phong tặng danh hiệu nữ thần sắc đẹp. Giống nữ thần Aphrodite của Hy Lạp, Cliodna khá… đào hoa nên có rất nhiều người tình nhân gian và nàng thường kéo luôn người tình về… cõi bên kia vui chung. Chàng trai Ciabhan là người duy nhất khiến Clíodhna chấp nhận từ bỏ thế giới bên kia để đến trần gian vui vầy.
Điều này khiến thần Gabann không hài lòng. Ông đã phù phép cho con gái ngủ say rồi dùng sóng biển dìm chết Ciabhan. Clíodhna thức dậy, biết được sự thật và đau khổ vô cùng. Cũng vì vậy mà nàng thường xuất hiện trong bộ dạng của chim hải âu, biểu tượng báo tử theo quan niệm của người Celtic.
Giống như thần Venus trong thần thoại La Mã, Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp là nữ thần tình yêu, sắc đẹp và sự sinh nở. Theo sử thi Iliad và Homer, Aphrodite là con gái của thần Zeus và nữ thần khổng lồ Dione.
Khi được hỏi trong ba vị nữ thần ngự tại đỉnh Olympus, ai là người xinh đẹp nhất thì hoàng tử thành Troia là Paris đã chọn Aphrodite, chứ không phải Hera hay Athena. Sau đó Paris trao cho Aphrodite Quả táo bất hòa. Từ đó, Aphrodite ủng hộ hết mình hoàng tử Paris và dân chúng thành Troia.
Ishtar là nữ thần Babylon hiện thân của tình yêu, sinh sản và chiến tranh. Bà là con gái của thần bầu trời, thiên đàng Anu. Ishtar nổi tiếng là người hay tàn phá, giết hại những điều nàng yêu thích, trong đó có một con sư tử, ngựa và chú mục đồng.
Khi thần vụ mùa Tammuz, người Ishtar yêu tha thiết, chết đi, nàng đã theo tận xuống Âm Phủ, nhưng cuối cùng cũng không mang được Tammuz trở lại trần thế. Theo truyền thuyết, Ishtar là “bản sao” nhưng có tính lăng nhăng, lả lơi hơn nữ thần sinh sản Inanna của người Sumer (vùng Lưỡng Hà). Bà là vợ của vua Sargon ở thành Agade.
Ở vùng đồng bằng Lưỡng Hà, Inanna là nữ thần tình yêu, còn với người Sume, bà là nữ thần tình yêu và chiến tranh. Mặc dù là trinh nữ nhưng Inanna là nữ thần chịu trách nhiệm về tình dục và khả năng sinh nở. Để đem đến mùa màng và sự sống cho trần gian, Inanna đã tự nguyện làm vợ vua Dumuzi, đức vua huyền thoại đầu tiên của người Sume. Về sau, người đời thờ phụng bà với tư cách là nữ thần chiến tranh giương cao ngọn cờ uy phong trên chiếc xe có bảy con sư tử kéo.
Ashtart hay Astarte là nữ thần dục vọng, thai sản, sinh nở của người Do Thái. Astarte còn được tôn thờ như nữ thần của chiến tranh, luôn gắn liền hình ảnh với sư tử hoặc báo dũng mãnh. Ở một số vùng như Babylon, Syria, Phoenicia (gần Trung Đông ngày nay), người ta luôn nghĩ rằng những nữ tu phục vụ thần Astarte luôn sẵn sàng hiến thân cho những người đàn ông để góp tiền xây dựng đền đài. Họ được gọi chung với cụm từ “mại dâm thiêng liêng”, mại dâm vì lợi ích chung của cộng đồng thời cổ đại.
Trong các câu chuyện thần thoại của người Ai Cập, Isis là nữ thần của ma thuật, sinh sản và có tình yêu của một người mẹ vĩ đại. Bà là con gái của thần Trái Đất Ged và nữ thần bầu trời Nut, là em gái đồng thời là vợ của thần chết Osiris.
Isis thường xuất hiện với đôi cánh lớn dang rộng che chở và rất giàu lòng vị tha. Khi anh trai bà là ác thần Seth giết chết chồng bà, vì tình yêu và lòng chung thủy, bà đã đi khắp nơi tìm ghép lại những mảnh thân thể của Osiris và dùng phép thuật làm chồng sống lại. Hai người có với nhau người con trai là Horus.
Nữ Oa là nữ thần có khả năng tạo ra loài người theo thần thoại Trung Quốc. Sau khi tạo ra loài người trên Trái Đất, Mẹ Nữ Oa đã dạy họ cách duy trì nòi giống, làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở trù phú. Bà còn có khả năng tu sửa lại bức tường trên Thiên Đường để tránh sự phá hủy khi bức tường này rơi xuống gian thế. Về sau, Nữ Oa đã tạo nên những con vật nuôi như gà, chó, cừu, lợn, bò, ngựa… giúp con người tự làm ăn, sinh sống.