15 điều bất ngờ về cướp biển

  •   32
  • 18.147

Dù là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, cướp biển rất tôn sùng dân chủ. Chúng cũng là những kẻ tiên phong trong việc áp dụng chế độ bảo hiểm lao động.

1. Công việc hấp dẫn với một số người

Những người sống trên biển luôn đối mặt với nguy cơ thương vong cao. Thực tế này càng thể hiện rõ rệt hơn trong thời đại mà các tàu di chuyển nhờ buồm và không có điện. Vậy tại sao nhiều kẻ vẫn muốn trở thành hải tặc?

8 điều bất ngờ về cướp biển
Ảnh minh họa: IMDB

Nhiều người nghĩ cướp biển là những tên tội phạm trên các tàu biển ngay từ khi chúng bước vào đời. Song trên thực tế, vô số cướp biển từng hành nghề lương thiện trước khi tay chúng nhúng chàm. Chúng gia nhập thế giới hải tặc vì đó là một công việc béo bở. Sau mỗi phi vụ, thuyền trưởng sẽ chia đều chiến lợi phẩm cho mỗi thành viên. Ngoài ra điều kiện sống của cướp biển cũng khá hơn nhiều so với thủy thủ trên tàu buôn và tàu hải quân.

Những thủy thủ trên tàu buôn có cơ hội trở thành cướp biển khi hải tặc cướp tàu của họ. Theo truyền thống, cướp biển luôn đề nghị những người mà chúng bắt tham gia lực lượng của chúng.

2. Hành xử theo quy tắc dân chủ

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, dù chống lại xã hội, cướp biển lại rất tôn sùng dân chủ. Thậm chí chúng ta có thể gọi cướp biển là những kẻ hâm mộ dân chủ một cách cuồng nhiệt. Để duy trì một cuộc sống ổn định trên biển trong nhiều tháng, hải tặc nhận ra rằng dân chủ là cách tốt nhất để thực hiện mục tiêu đó. Thuyền trưởng là người mà phần lớn hải tặc chọn trong các cuộc bầu cử. Việc bầu thuyền trưởng đảm bảo rằng kẻ chỉ huy tàu nhận được sự ủng hộ của phần lớn thành viên trên tàu, nhờ đó mà nguy cơ nổi loạn giảm. Dù có quyền lực tuyệt đối trong một số tình huống – như xung đột hay phân chia tài sản – thuyền trưởng lại chỉ có quyền hạn chế đối với con tàu.

8 điều bất ngờ về cướp biển
Các cuộc bầu thủ lĩnh của hải tặc luôn diễn ra công khai và dân chủ. (Ảnh minh họa: Listverse)

3. Chế độ bồi thường và bảo hiểm

Cướp biển có chế độ bồi thường cho mọi thành viên trong băng nhóm. Mức độ bồi thường phụ thuộc vào chấn thương của nạn nhân. Theo quy định, mất một chân là thương tổn nặng hơn so với cụt hai ngón tay, còn mất cánh tay thuận sẽ là tổn thương nặng hơn so với mất cánh tay kia. Nếu bạn am hiểu về lịch sử của ngành bảo hiểm, bạn sẽ biết rằng hải tặc là những kẻ đầu tiên áp dụng chế độ bảo hiểm lao động. Chúng cũng cung cấp các “phụ kiện” cho những thành viên tàn tật – như băng che mắt chột, chân gỗ, móc sắt (thay thế bàn tay cụt). Băng đảng luôn khuyến khích những thành viên tàn tật tiếp tục cống hiến. Hải tặc sống theo chế độ tập thể nên việc mất chân, tay hay tàn tật không làm giảm địa vị, vai trò của mỗi thành viên trong tổ chức.

4. Nhiều phụ nữ hành nghề cướp biển

Nếu lọt vào một tàu của hải tặc, bạn có thể gặp khá nhiều phụ nữ trên đó. Để gia nhập thế giới hải tặc, việc đầu tiên mà một phụ nữ cần thực hiện là mặc như nam giới. Một trong những nữ cướp biển nổi tiếng nhất trong lịch sử là Mary Lacy, một công dân Anh. Bà rời khỏi nhà ở thành phố Portsmouth, Anh khi mới 19 tuổi và cải trang thành một nam giới với cái tên giả William Chandler để trở thành hải tặc. Thậm chí Mary còn có mối quan hệ luyến ái với một phụ nữ trên tàu cướp biển. Về sau Mary từ bỏ cuộc sống của hải tặc do thể lực của bà không cho phép.

5. Nhiều người lương thiện tự nguyện trở thành cướp biển

Người tình nguyện chiếm tỷ lệ lớn trong các toán hải tặc. Đây là nghề nguy hiểm, khó lường nên rất nhiều cướp biển chết hoặc đào tẩu. Vì thế các nhóm hải tặc luôn cần người mới. Giống như mọi nghề khác, để tuyển người mới, cướp biển phải “nhử” họ bằng những triển vọng hấp dẫn. Chúng yêu cầu thuộc hạ ăn mặc thật sang trọng để người khác cảm thấy cuộc sống của chúng rất sung túc. Nếu không có đủ người tình nguyện, hải tặc sẽ dùng vũ lực để bắt người lương thiện gia nhập nhóm của chúng.

Số lượng người muốn làm cướp biển tăng vọt sau năm 1713, khi nhiều thủy thủ săn tàu buôn trở thành hải tặc. Khi các nước châu Âu xung đột trên biển, những thủy thủ săn tàu buôn kiếm khá nhiều tiền. Thậm chí vào năm 1708, chính phủ Anh còn cho phép họ giữ toàn bộ những thứ mà họ lấy từ các tàu buôn của các nước thù địch. Song chỉ 5 năm sau, Hiệp ước Utrecht đã đem lại hòa bình trên đại dương và vài nghìn thủy thủ săn tàu buôn mất việc. Thay vì trở về đất liền, phần lớn gia nhập các tàu cướp biển – nơi họ có thể tiếp tục sử dụng kỹ năng cũ để sống.

6. Đời hải tặc gắn với rượu và cờ bạc

Mọi người đều biết hải tặc thường xuyên ăn nhậu. Uống rượu trở thành một phần quan trọng đối với văn hóa của cướp biển, còn nghiện rượu đã trở thành một tiêu chuẩn cơ bản đối với chúng. Đối với nhiều tên cướp biển, viễn cảnh uống rượu không giới hạn hấp dẫn hơn nhiều so với của cải mà chúng sẽ nhận được.

Rượu đóng vai trò như sợi dây kết nối những tên hải tặc. Vì thế, nếu một kẻ không uống rượu, những tên khác sẽ nhìn gã với ánh mắt nghi ngờ. Hải tặc coi rượu là thứ giúp chúng trị nhiều bệnh – từ ngộ độc thực phẩm tới “bệnh” tự ti. Rượu rum là một loại hàng hóa rất quan trọng đối với hải tặc vùng Caribbe. Mỗi khi tàu cướp biển tấn công tàu buôn, chúng luôn cướp hết rượu rum.

Đánh bạc là một hình thức tiêu khiển phổ biến khác của hải tặc. Mặc dù một số thuyền trưởng cấm đánh bạc khi tàu lênh đênh trên biển, song cướp biển luôn sát phạt nhau mỗi khi lên bờ. Rượu và cờ bạc đẩy nhiều hải tặc vào hoàn cảnh khốn cùng.

8 điều bất ngờ về cướp biển
Một toán cướp biển Philippines hoạt động ở Biển Đông. (Ảnh: blogspot.com)

7. Bộ quy tắc ứng xử của hải tặc

Bộ phim Pirates of the Caribbean bắt đầu với việc một trong những nhân vật chính viện dẫn quyền thương lượng. Đó là một thuật ngữ thực tế. Dù cướp biển không dùng từ đó, song quả thực chúng có quy tắc hành xử. Đạo đức của hải tặc ra đời từ văn hóa tập thể và đa dạng, chịu ảnh hưởng của cuộc sống theo chủ nghĩa bình quân trên biển. Những quy tắc hành xử cơ bản bao gồm: phân chia đều của cải, ra quyết định theo hình thức biểu quyết dân chủ, trung thực với đồng bọn, trung thành với thuyền trưởng.

Trả thù cũng là một quy tắc hành xử của hải tặc. Theo quy tắc này, cướp biển phải báo thù những người động chạm tới chúng bằng bạo lực.

8. Cướp biển chào đón hôn nhân đồng giới

Hải tặc không tuân theo những chuẩn mực của xã hội nên chúng sống rất tự do. Chúng chào đón hội chứng đồng tính một cách cởi mở và thậm chí còn lập nên hình thức hôn nhân đồng giới của riêng chúng. Ví dụ, matelotage là thuật ngữ mà hải tặc dành cho mối quan hệ hôn nhân giữa hai cướp biển nam. Những “đôi uyên ương” như thế sẽ sở hữu chung tài sản.Nếu một kẻ chết, bạn đời đồng giới của gã sẽ thừa kế tài sản.

Đôi khi những tên cướp biển còn quan hệ tình dục với cả gái lẫn trai. Khi quân Pháp đưa hàng trăm gái điếm vào Tortuga trong những năm giữa thế kỷ 17, họ muốn dẹp tình trạng hôn nhân đồng giới của những tên cướp biển nam tại đây. Nhưng kết quả không như họ mong đợi. Hải tặc chào đón gái điếm, nhưng chúng vẫn quan hệ với những tên bạn đời cùng giới.

9. Sự thật về đôi khuyên tai của cướp biển

Những tên cướp biển ngoài đời thực thường đeo một đôi khuyên tai cỡ lớn. Tuy nhiên, sự hiện diện của món phụ kiện này vượt quá ý nghĩa về mặt thời trang, mà hướng đến mục đích lâu dài hơn rất nhiều. Với một cuộc đời nay đây mai đó và có thể phải đối mặt với cái chết bất kỳ lúc nào, cướp biển luôn cố tích cóp cho mình một đôi khuyên tai thật giá trị, thường là bằng vàng hoặc kim loại quý. Bởi vì, khi không may thiệt mạng, bất cứ ai tìm thấy thi thể, đều có thể bán đôi khuyên tai này đi và dùng tiền đó để chôn cất, hoặc gửi thân xác họ về quê nhà. Do đó, có không ít cướp biển còn khắc cả tên và quê quán của mình lên món đồ trang sức này.

10. Cướp biển cờ đỏ mới thực sự là ác mộng với những con thuyền

Cướp biển cờ đỏ
Với lá cờ đỏ, lũ cướp biển muốn cảnh báo rằng, chúng là kẻ khát máu và sẽ giết sạch thuyền viên của bất kỳ con thuyền nào.

Đối với những thuyền buôn ở thời kỳ trước, việc gặp một chiếc thuyền xuất hiện đằng xa, mang cờ đen hình đầu lâu xương chéo sẽ khiến họ lo lắng. Tuy nhiên, kết cục thậm chí còn tồi tệ hơn rất nhiều lần, nếu lá cờ vẫn mang biểu tượng ấy nhưng màu nền lại chuyển từ đen sang đỏ. Theo sử sách mô tả, những tên cướp biển cờ đen thường chỉ tấn công để cướp bóc tiền bạc. Ngược lại, với lá cờ đỏ, lũ cướp biển muốn cảnh báo rằng, chúng là kẻ khát máu và sẽ giết sạch thuyền viên của bất cứ con thuyền nào chúng tấn công.

11. Loại nước thuốc đặc biệt của cướp biển

Vì phải đánh nhau liên miên, cướp biển rất quan tâm đến vấn đề y tế và sức khỏe. Thậm chí, bọn chúng còn chế tạo ra một loại thức uống đặc biệt có khả năng chữa bệnh. Được biết, loại nước này là phiên bản cải tiến của Grog, một loại đồ uống của các thủy thủ nước Anh, gồm hỗn hợp của rượu rum và nước. Bằng cách bổ sung thêm đường và chanh vào Grog, cướp biển đã giúp biến nó thành một loại thuốc để phòng Scorbut, một chứng bệnh được sinh ra do sự thiếu hụt vitamin C thường gặp ở thủy thủ.

12. Hoàng đế La Mã Julius Caesar từng bị cướp biển bắt

Vị hoàng đế La Mã nổi tiếng Julius Caesar đã từng có thời gian bị cướp biển bắt giữ
Vị hoàng đế La Mã nổi tiếng Julius Caesar đã từng có thời gian bị cướp biển bắt giữ.

Vị hoàng đế La Mã nổi tiếng Julius Caesar đã từng có thời gian bị cướp biển bắt giữ. Điều thú vị là những người cướp biển này lại không hề biết đến thân thế thực sự của Caesar và chỉ đòi 20 talents (xấp xỉ 600.000 USD) tiền chuộc. Sau khi đề ra mức giá này, Julius Caesar còn cười nhạo và nói rằng, mình đáng giá ít nhất 50 talents. Được biết, trong suốt thời gian làm con tin, vị hoàng đế này đã thường xuyên đọc thơ cho lũ cướp biển. Ngay khi được giải cứu, tất cả thuyền viên của băng cướp này đều đã bị phạt đóng đinh lên cây thánh giá.

13. Không phải chỉ cướp biển bị chột mới đeo miếng bịt mắt

Không phải chỉ cướp biển bị chột mới đeo miếng bịt mắt
Miếng bịt mắt được sử dụng với mục đích chính là tăng tầm nhìn trong bóng tối.

Trên thực tế, không chỉ những cướp biển bị chột mới đeo miếng bịt mắt, bởi chức năng của nó không phải để che đi phần mắt bị thiếu như chúng ta vẫn nghĩ. Sự thật là miếng bịt mắt được sử dụng với mục đích chính là tăng tầm nhìn trong bóng tối, vốn rất cần cho cướp biển. Cụ thể, với việc chỉ nhìn bằng một mắt, khi những tên cướp biển thay đổi vị trí liên tục giữa sàn tàu- nơi có nhiều ánh sáng và boong tàu- vốn thường tối tăm, thị lực của họ sẽ thích nghi một cách linh hoạt hơn.

14. Cướp biển khét tiếng nhất lịch sử với "bộ râu cháy"

Cướp biển khét tiếng nhất lịch sử với "bộ râu cháy"
Mỗi khi chuẩn bị giao chiến, Edward Teach lại đan một sợi dây bện bằng cây gai dầu vào râu rồi đốt cháy.

Edward Teach là một trong những cướp biển khét tiếng và tàn bạo nhất trong lịch sử. Bên cạnh khả năng lãnh đạo những cuộc đánh cướp “ngoạn mục”, huyền thoại này còn nổi tiếng bởi bộ râu “cháy” của mình. Theo sử sách ghi lại, mỗi khi chuẩn bị giao chiến, Edward Teach lại đan một sợi dây bện bằng cây gai dầu vào râu rồi đốt cháy. Chính làn khói và đốm lửa mờ ảo phát ra từ bộ râu này, đã khiến không ít đối thủ phải khiếp đản, còn những người sống sót thì kể về Edward Teach như một thế lực siêu nhiên.

15. Tại sao Caribeanan có nhiều cướp biển trong thế kỷ 18?

Caribean từng là nơi có nhiều cướp biển nhất. Những câu chuyện về cướp biển vùng này đã được dựng thành nhiều bộ phim khác nhau.

Theo History, từ lúc con người căng buồm ra khơi, hải tặc đã xuất hiện. Giai đoạn từ 1690 đến 1730 (cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII) được xem là "kỷ nguyên vàng" của cướp biển. Theo sách Lịch sử thế giới trung đại, Caribean (Trung Mỹ) là vùng nổi tiếng nhiều cướp biển trong thế kỷ 18, bởi nơi đây có rất nhiều tàu bè qua lại. Hàng loạt vụ cướp bóc đã xảy ra ở vùng Caribean trong thời gian này. Khi đó, khoảng 2.000 hải tặc hoạt động tại vùng này.

Cập nhật: 03/12/2021 Theo Zing/Dân Trí
  • 32
  • 18.147