9 cách đơn giản để bắt chuyện với bất kỳ ai

  •  
  • 4.841

Bạn có biết nói trước đám đông là nỗi sợ hãi lớn nhất của rất nhiều người? Đó là chưa kể có người còn sợ bắt chuyện với người lạ, người khác giới, người nước ngoài, cấp trên, đồng nghiệp mới và thậm chí là với những người bạn lâu năm không gặp, một số cũng cảm thấy rất khó mở đầu câu chuyện?

Tất cả những nỗi sợ này đều có thể được xóa tan bằng cách rèn luyện các kỹ năng phù hợp và thời điểm tốt nhất chính là ngay bây giờ với 9 bí quyết sau đây.

1. Bỏ qua những câu chuyện phiếm

"Thời tiết hôm nay thế nào?", "bạn thấy trận bóng đêm qua hay không?"... là những cách mở đầu câu chuyện nhạt nhẽo, chẳng có gì thú vị cả. Tốt nhất là hãy tránh mấy câu hỏi rập khuôn này nhé.

Vậy thì bắt đầu bằng cách nào?

Trước hết, một nguyên tắc cần nhớ là mỗi cuộc trò chuyện đều xảy ra trong những thời điểm, hoàn cảnh, con người và các yếu tố môi trường khác nhau. Do vậy, bạn không thể nào áp dụng cùng một mô tip cho tất cả các tình huống này được.

Thứ hai, tùy đối tượng, tùy mục đích và hoàn cảnh để mở đầu cuộc trò chuyện thật thú vị. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi han về công việc, dự án, sở thích của họ hoặc lựa chọn cách bắt chuyện thật độc đáo như kể một câu chuyện hài hước...

2. Hỏi ý kiến đối phương

Mỗi người đều có những quan điểm, suy nghĩ khác nhau!

Đối với những người bạn chưa biết nhiều, chẳng hạn như người lạ thì việc bắt đầu bằng các chủ đề như ẩm thực, âm nhạc, thể thao... với một vài câu hỏi như "bạn thấy món ăn này nếu cho thêm muối sẽ như thế nào?", "bạn thấy bộ phim kinh dị này có ấn tượng không?" hoặc "bài hát này tôi thấy rất ý nghĩa, còn bạn?".....

Tuy nhiên, đừng đặt ra các câu hỏi liên quan đến chính trị và tôn giáo trừ khi bạn hiểu rõ về họ.

3. Yêu cầu lời khuyên hoặc sự gợi ý

Việc xin đối phương lời khuyên hoặc gợi ý về cách ăn mặc, mỹ phẩm, chọn đồ điện tử.... là cách bắt chuyện rất lý tưởng. Chẳng hạn, "chiếc cà vạt này của bạn đẹp quá, bạn mua ở đâu vậy?" hoặc "bạn có nước da rất đẹp, bạn có thể cho tôi biết bí quyết của bạn được không?"....

4. Đặt câu hỏi

Tuy nhiên, hãy đặt những câu hỏi dễ trả lời.

Chẳng hạn, nếu biết đối phương là một nhân viên IT thì bạn có thể hỏi họ về cách cài đặt phần mềm, diệt virus, xóa tập tin... nhưng tránh đưa ra những yêu cầu quá "cao siêu" nhé. Bạn đang cố bắt chuyện với họ nên hãy lựa chọn cách nhẹ nhàng để cả hai đều cảm thấy thoải mái và tự tin về câu trả lời.

5. Thảo luận về những vấn đề xung quanh

Bất kể đang ở đâu thì xung quanh vẫn có rất nhiều thứ bạn có thể chọn làm chủ đề để mở đầu câu chuyện với một người lạ. Chẳng hạn, nếu đang chờ xe bus, bạn có thể bắt chuyện bằng những câu đại loại như "xe bus nay có vẻ lâu hơn ngày thường bạn nhỉ?" hoặc "bạn xuống ở bến nào, có khi tôi cùng đường với bạn"....

6. Hỏi về những thứ mới của họ

Nếu biết một chút về cuộc sống, công việc của một người hoặc biết họ là người có uy tín, nổi tiếng, bạn có thể hỏi họ những câu như: "ôi, Mary bảo là cậu đang mở lớp dạy khiêu vũ. Mọi việc tiến triển tốt chứ?"

7. Đặt những câu hỏi mở

Nếu chỉ đặt ra những câu hỏi đóng "có" hoặc "không" thì chẳng có gì bất ngờ về câu trả lời bạn nhận được. Do vậy, nếu muốn mở đầu câu chuyện thật thú vị và duy trì được cuộc đàm thoại thì hãy sử dụng câu hỏi dạng mở. Bằng cách này, bạn sẽ nhận được nhiều thông tin hơn và phần nào đoán được cách suy nghĩ của người đối diện.

Chẳng hạn, "anh thấy món này thế nào? Tôi thấy nó khá hấp dẫn đấy!".

8. Đặt những câu hỏi giả định

Đây là cách khởi đầu câu chuyện rất tuyệt vời nhưng cố gắng gắn nó vào một tình huống cụ thể để tránh câu hỏi quá ngẫu nhiên. Chẳng hạn, "tôi thấy bộ phim này có vẻ viễn tưởng quá, cơ mà, sẽ thế nào nếu một ngày Mặt Trời biến mất nhỉ?"

9. Hỏi về sở thích, con cái hoặc vật nuôi

Mọi người ai cũng thích nói về những thứ quan trọng với họ. Nếu biết sếp là người thích đi du lịch, nuôi thú hoặc rất thích trẻ con thì hãy bắt chuyện bằng các chủ đề này. Chắc chắn, bạn sẽ được sếp dành cả tiếng đồng hồ để bàn luận đấy.

Cập nhật: 30/04/2020 Theo QTM
  • 4.841