Những người này khẳng định mình bị... dị ứng với sóng Wifi, nhưng sự thực đằng sau là gì?

  •  
  • 2.025

Chứng bệnh kỳ lạ gì thế? Mà biết đâu lại có thật, vì chẳng phải chúng ta từng có người dị ứng với nước hay sao?

Dị ứng không chỉ là một căn bệnh khó chịu, mà nó còn có thể gây nguy hiểm nữa. Người bị dị ứng nếu không cẩn thận có thể bị sưng tắc đường thở, dẫn đến tử vong.

Câu chuyện ở đây là có những chứng dị ứng thực sự rất kỳ quặc, như với nước, thậm chí là dị ứng vì phải tập thể dục. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghĩ rằng có người dị ứng được với cả... sóng Wifi?

Vậy mà có đó, ở ngay trong cái thời đại Internet phủ kín toàn cầu này!

Có bao giờ nghĩ rằng có người dị ứng được với cả... sóng Wifi?
Có bao giờ nghĩ rằng có người dị ứng được với cả... sóng Wifi?

Từ những câu chuyện có thực

Năm 2015, Marine Richard - một phụ nữ người Pháp đã đăng đàn, tuyên bố bản thân mắc phải chứng dị ứng với sóng Wifi. Cô cũng trở thành bệnh nhân đầu tiên được công nhận mắc phải chứng bệnh quá sức kỳ lạ này, đồng thời nhận được hơn 500 bảng Anh tiền trợ cấp mỗi tháng dành cho người khuyết tật, vì căn bệnh ngăn không cho cô làm những công việc bình thường nữa.

Marine Richard - người phụ nữ đầu tiên được công nhận bị dị ứng sóng điện từ.
Marine Richard - người phụ nữ đầu tiên được công nhận bị dị ứng sóng điện từ.

Richard rời xa thành phố, chuyển đến một vùng quê hẻo lánh không có bất kỳ đường dây internet nào - nơi tưởng như không bao giờ tồn tại trong thế kỷ 21. Và rồi sau đó, ngày càng có nhiều trường hợp dị ứng tương tự xuất hiện, với cái tên được biết đến là "chứng mẫn cảm với sóng điện từ" (EHS).

Theo Cục chăm sóc sức khỏe Quốc gia (Anh), thì "Có khoảng 5% dân số tại Anh bị ảnh hưởng bởi sóng điện từ, với các triệu chứng giống bị cúm như đau đầu, buồn nôn... khi tiếp xúc với các thiết bị điện".

Để thoát khỏi các triệu chứng này, rất nhiều người đã chọn cách sinh sống tại các vùng dân cư hẻo lánh, thậm chí là trong các ngôi nhà tách biệt, hoàn toàn xa rời với các thiết bị có khả năng phát sóng điện từ - đặc biệt là điện thoại di động.

Rachel Hinks - một người phụ nữ 44 tuổi tại Cheshire, Anh Quốc là trường hợp như vậy. Năm 2017, Hinks đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà cô đã gắn bó hơn 20 năm vì cô không thể chịu nổi các thiết bị điện trong đó. Cô chuyển đến một vùng quê Xứ Wales, nhưng rồi sau đó phải quay lại Cheshire vì bệnh không hề đỡ hơn.

"Trong thời gian ở Xứ Wales, tôi sống trong một túp lều, lúc thì ở trong ô tô, nhưng hoàn toàn không đỡ hơn" - Hinks cho biết.

"Mỗi lần ở cạnh trụ điện thôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Tôi nôn hai lần sáng nay, thậm chí có các triệu chứng cấp tính, đến mức tim gần như ngừng đập".

 Nhiều người đã chọn cách sinh sống tại các vùng dân cư hẻo lánh để thoát khỏi chứng bệnh này.
Nhiều người đã chọn cách sinh sống tại các vùng dân cư hẻo lánh để thoát khỏi chứng bệnh này. (Ảnh minh họa).

Cùng với đó là hàng ngàn các trường hợp khác kể về các triệu chứng tương tự. Tất cả đều rất thuyết phục và khiến các nhà khoa học phải đau đầu.

Tuy nhiên có một vấn đề quan trọng

Đó là: chứng mẫn cảm với sóng Wifi, sóng điện thoại, hoặc bất kỳ thiết bị không dây nào khác đều chưa từng được xác nhận là có thật.

Để xác nhận, tiến sĩ Stacy Eltiti và giáo sư Elaine Fox từ ĐH Essex đã thực hiện một thí nghiệm trên những trường hợp cho rằng họ bị dị ứng với sóng điện từ. Các ứng viên được tiếp xúc với sóng điện thoại và Wifi, nhưng không hề biết về điều đó. Và kết quả thật đáng kinh ngạc, vì tất cả các trường hợp đều không cho thấy biểu hiện khác lạ nào.

Chứng dị ứng sóng điện từ dường như chỉ là tâm lý.
Chứng dị ứng sóng điện từ dường như chỉ là tâm lý.

"Nghiên cứu kéo dài 3 năm, trên 44 trường hợp được cho là mẫn cảm với sóng điện từ, và 114 người tự nguyện khác. Kết quả cho thấy, những trường hợp bị dị ứng có xuất hiện triệu chứng, nếu họ được bảo rằng gần đó có điện thoại di động, hoặc một thiết bị tương tự".

"Tuy nhiên, nếu họ không biết rằng gần đó có thiết bị như vậy, thì chẳng có chuyện gì xảy ra cả".

"Điều này chứng tỏ rằng mọi chuyện dường như chỉ là tâm lý".

Tuy nhiên lúc này lại nảy sinh một vấn đề khác. Nếu tất cả chỉ là tâm lý, thì tại sao Rachel Hinks vẫn mắc bệnh khi chuyển về quê sinh sống? Và tại sao Marine Richard lại nhận được trợ cấp khuyết tật, nếu căn bệnh không tồn tại?

Những người mắc EHS quả thực đang có bệnh, nhưng vấn đề là sóng điện từ không phải nguyên nhân.
Những người mắc EHS quả thực đang có bệnh, nhưng vấn đề là sóng điện từ không phải nguyên nhân.

Đáp án nhiều người nghĩ đến nhất có lẽ là họ... bịa chuyện, hoặc tưởng tượng ra. Điều này đúng, nhưng rất nhiều trường hợp cho thấy các triệu chứng là có thực. Như năm 2015, một thiếu nữ người Anh thậm chí đã phải tự tử, vì sóng Wifi của nhà trường khiến cô bé đau đầu, buồn nôn không chịu nổi.

Để lý giải, tiến sĩ James Rubin cho biết: "Những người mắc EHS quả thực đang có bệnh, nhưng vấn đề là sóng điện từ không phải nguyên nhân. Và bệnh tâm lý đôi khi có thể thực sự nghiêm trọng".

Tất nhiên, không có gì chắc chắn là kết luận này hoàn toàn chính xác. EHS có thể là một căn bệnh có thật, chỉ là con người chưa tìm ra nguyên nhân và cần thêm nhiều nghiên cứu khác nữa.

Chỉ biết rằng hầu hết các trường hợp cho rằng mình mắc bệnh chủ yếu là do tâm lý, vậy thôi.

Sóng điện từ hay (bức xạ điện từ) là sự kết hợp (nhân vector) của dao động điện trường và từ trường vuông góc với nhau, lan truyền trong không gian như sóng. Sóng điện từ cũng bị lượng tử hoá thành những "đợt sóng" có tính chất như các hạt chuyển động gọi là photon.

Khi lan truyền, sóng điện từ mang theo năng lượng, động lượng và thông tin. Sóng điện từ với bước sóng nằm trong khoảng 400 nm và 700 nm có thể được quan sát bằng mắt người và gọi là ánh sáng.

Sóng điện từ lan truyền được trong các môi trường rắn, lỏng, khí và chân không. Là sóng duy nhất lan truyền được trong chân không.

Sóng điện từ là sóng ngang nghĩa là nó là sự lan truyền của các dao động liên quan đến tính chất có hướng (cụ thể là cường độ điện trường và cường độ từ trường) của các phần tử mà hướng dao động vuông góc với hướng lan truyền sóng.

Cập nhật: 20/06/2019 Theo helino
  • 2.025