Ai Cập khuyến cáo người dân hạn chế dùng Net
Bộ Viễn thông Ai Cập vừa phải lên tiếng yêu cầu người dùng Internet trong nước hạn chế download các nội dung nặng để tránh xảy ra tình trạng tắc nghẽn đường truyền, vốn đã khá èo uột và "chật chội" kể từ sau sự cố đứt cáp hồi giữa tuần trước.
Hai trên tổng số 3 trục cáp ngầm dưới đáy biển phụ trách kết nối Internet của cả Ai Cập đã bị hư hỏng nặng, khiến cho toàn bộ lưu lượng dồn cả vào trục cáp còn lại.
Chưa có lời giải thích nào được đưa ra cho sự cố tồi tệ này, ngoài dự đoán "công tác khắc phục phải mất ít nhất 2 tuần".
"Người dùng không nên tải nhạc và film tại thời điểm này, vì sẽ làm ảnh hưởng đến công việc và nhu cầu thông tin cấp thiết hơn của những người khác", đại diện Bộ Viễn thông tuyên bố.
Khi được hỏi phim "cấp 3" chiếm bao nhiêu dung lượng đường truyền Internet đến Ai Cập, ông này chỉ đáp "Đó là một vấn đề khác. Ai cũng có quyền download những thứ họ thích. Bạn không thể cấm người ta tải phim được, vì luật cho phép họ làm thế".
|
Nguồn: AFP |
Sự cố đứt cáp đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp gia công thô của Ai Cập, vốn đang phấn đấu để trở thành một "Ấn Độ thứ hai".
Thế mạnh của Ai Cập là các tổng đài dịch vụ khách hàng cho doanh nghiệp phương Tây, nhưng trong bối cảnh hiện nay, họ chỉ có thể hoạt động với một phần ba công suất bình thường mà thôi.
Bất lực trong ứng phó thảm họa
Theo thông tin mới nhất, hiện Ai Cập mới khôi phục được khoảng 50% dung lượng kết nối, đủ để người dùng đọc và gửi mail bình thường nhưng không thể tiến hành các hoạt động phức tạp hơn như lướt Web, xem video, tải ảnh...
Hãng nghiên cứu Gartner cho rằng các công ty gia công thô Ai Cập bị tổn thất nặng vì họ không có kế hoạch ứng phó với thảm họa bất ngờ. Hầu hết các kế hoạch chỉ xử lý được tình trạng "rớt Net" trong tối đa 1 tuần, nên khi công tác khắc phục kéo dài, thiệt hại nặng nề tất yếu sẽ xảy ra.
"Sự vụ lần này sẽ gây ra tác động cực kỳ tiêu cực lên doanh thu, danh tiếng và cả thương hiệu các hãng", Phó chủ tịch nghiên cứu Roberta Witty của Gartner bình luận.
"Nạn khủng bố, đại dịch, sự cố từ nhà cung cấp dịch vụ... đều có thể kéo dài hơn 7 ngày. Điều quan trọng là các tổ chức cần phải chuẩn bị ứng phó tốt trước những tình huống này trong ít nhất là 30 ngày".
Cuối tuần trước, Bộ Viễn thông Ai Cập cho biết đã phái tàu cứu hộ tới địa điểm bị nghi là đứt cáp. Tuy nhiên, công tác sửa chữa khó lòng bắt đầu trước thứ ba do thời tiết xấu.
Sự cố đứt cáp tương tự từng xảy ra tại châu Á cuối năm 2006 đã phải mất hơn 2 tháng mới có thể khắc phục hoàn toàn, gây thiệt hại nặng nề cho các nước trong khu vực.
Trọng Cầm (Theo VNUnet, VietNamNet)