Ai là “thủ phạm” đầu tiên gây ra hiệu ứng nhà kính?

  •  
  • 2.089

Bằng cách đốt gỗ và củi, người cổ đại sống cùng thời kỳ với Đế chế La Mã chính là “thủ phạm” góp phần không nhỏ trong việc tạo ra lượng khí thải đáng kể gây hiệu ứng nhà kính.

Phát hiện này có thể khiến các nhà khoa học phải xem xét lại một số khía cạnh của mô hình biến đổi khí hậu khi cho rằng trước khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, con người không phải chịu trách nhiệm cho hiện tượng trên. “Người ta tin rằng lượng khí thải chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 1850 nhưng thực tế thì nó đã xảy ra từ rất lâu trước đó”, Célia Sapart - một thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Utretcht (Hà Lan) cho biết.

Metan là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính khá mạnh, gấp 20 lần sức mạnh làm nóng của khí carbon dioxide. Những trận cháy rừng, những vùng đầm lầy và những đợt núi lửa phun trào đã giải phóng metan vào khí quyển. Tuy nhiên, các hoạt động thường ngày của con người, chẳng hạn như chăn nuôi gia súc hay đốt nhiên liệu hóa thạch mới là nguyên nhân chiếm tới hơn một nửa lượng mêtan thoát ra.

Để rút ra được kết luận này, Sapart và đồng nghiệp đã tiến hành phân tích lõi băng lấy tại Greenland. Những bọt khí rất nhỏ bị kẹt trong băng cung cấp bức ảnh hoàn hảo mô tả bầu khí quyến hàng ngàn năm trước: các phần đồng vị carbon (nguyên tử cùng một nguyên tố nhưng có số nơtron khác nhau) bên trong bọt khí không chỉ tiết lộ mức metan của khí quyển mà còn giúp tìm hiểu lượng khí có nguồn gốc từ các vụ cháy rừng, vùng đầm lầy hay những nguồn khác.

Quá tình giải phóng khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính có vài lần lập đỉnh trong 2100 năm qua vào thời kỳ La Mã, Trung Cổ và trong kỷ băng hà nhỏ.
Quá tình giải phóng khí metan gây hiệu ứng nhà kính có vài lần lập đỉnh trong
2100 năm qua vào thời kỳ La Mã, Trung Cổ và trong kỷ băng hà nhỏ. (Ảnh: NBI)

Trong nghiên cứu được đăng tải chi tiết trên tạp chí Nature mới đây, nhóm nhà khoa học cũng phát hiện thấy rằng lượng metan ở mức cao ngay từ năm 100 TCN, trong thời hoàng kim của đế chế La Mã, và bắt đầu giảm vào khoảng năm 200 SCN, cùng giai đoạn đế chế này suy yếu. Nó được tạo ra khi người La Mã đốt rừng để lấy đất trồng cây và mở rộng các khu định cư, Sapart nói.

Khoảng thời gian đó trùng với thời kỳ đỉnh cao của vương triều nhà Hán ở Trung Quốc. Người Hán đã đốt cháy một lượng lớn gỗ phục vụ cho các lò rèn đao kiếm. Sau khi triều đại sụp đổ cũng khoảng năm 200 SCN, nồng độ mêtan trong khí quyển nhanh chóng giảm dần. Ngoài ra, tại khu vực Châu Âu, giới chuyên gia ghi nhận mức mêtan tăng vọt ở thời kỳ băng hà nhỏ những năm 1400, khi con người giữ ấm bằng cách đốt củi.

Nhìn chung, tất cả kết quả trên đều cho thấy mô hình dự báo về sự biến đổi khí hậu có thể cần phải điều chỉnh lại do trước đây, các nhà nghiên cứu luôn tin rằng khí mêtan chỉ xuất hiện khi loài người bước vào quá trình công nghiệp hóa.

Theo Báo Đất Việt, Livescience
  • 2.089