Rất nhiều người có thói quen lạm dụng thuốc giảm đau. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy hại với sức khỏe.
Cô M.T, 38 tuổi, đi khám vì đau bụng và lưng khoảng 3 tháng. Cô đã được chẩn đoán polyp đại tràng. Bụng và lưng thường xuyên đau nên cô thường tự mua thuốc giảm đau về để uống. Ngày đến khám, mặt cô bị phù, mắt sưng to, thân hình tích mỡ nhiều nhưng tay chân thon thả, da khô ửng đỏ.
Cô xin bác sĩ tiêm thuốc giảm đau cho mình. Bác sĩ kiểm tra bọc thuốc cô đang uống mới phát hiện 1 sự phối hợp thuốc kinh hoàng, cô đang uống cùng lúc 6 loại thuốc giảm đau/ kháng viêm mà cô tự mua (meloxicam, piroxicam, diclofenac, mefenamic, methylprednisolone, ultracet) trong 3 tháng liền, chưa kể thuốc trong toa chữa bệnh mãn tính của cô. Kết quả khám cô bị hội chứng cushing do thuốc, suy thận, đái tháo đường, chụp cộng hưởng từ cột sống cho thấy tổn thương hầu hết các đốt sống thắt lưng. Trường hợp này là tình huống điển hình cảnh báo về tình trạng tự ý mua thuốc hoặc lạm dụng sử dụng thuốc giảm đau.
Khi bị đau, chúng ta nên tìm nguyên nhân gây đau để điều trị chứ không nên lạm dụng thuốc giảm đau. (Ảnh minh họa).
Ngày nay, chúng ta rất dễ mua được thuốc giảm đau trên thị trường với rất nhiều chủng loại khác nhau, mặc dù chúng giúp làm giảm các triệu chứng rất nhanh, tuy nhiên nếu không hiểu rõ từng loại và tác dụng phụ cũng như cách dùng, khi có hậu quả nặng có thể không còn cứu chữa được.
Paracetamol/Acetaminophen là loại thuốc giảm đau khá an toàn, nhưng vẫn cần dùng đúng liều lượng và bắt buộc cần phải chỉnh liều theo tình trạng gan thận. Nhưng khi bị đau kéo dài, thường chúng ta thấy việc dùng paracetamol có thể kém hiệu quả, nhờn thuốc. Và, chúng ta có xu hướng tìm mua, sử dụng những loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Do chúng thường có thêm tác dụng kháng viêm, nên về vẻ bề ngoài, chúng giúp chúng ta giảm triệu chứng rất nhanh chóng, dễ chịu và xem đó là thần dược.
Chúng là nhóm thuốc glucocorticoid (methylprednisolone,…) và nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (diclofenac, meloxicam,…). Đây là những nhóm thuốc thường được sử dụng trong hội chứng thận hư, ức chế miễn dịch trong ghép tạng, hoặc các bệnh về khớp,
Nhưng vai trò chủ yếu của chúng là điều trị triệu chứng, không phải điều trị nguyên nhân gây bệnh. Bản thân chúng cũng có rất nhiều tác dụng phụ, việc sử dụng những loại thuốc này không đơn giản là uống rồi ngưng như những loại thuốc khác, mà chúng cần được chỉnh liều khi bắt đầu và khi muốn ngưng thuốc phải chỉnh liều.
Hội chứng Cushing do thuốc xảy ra khi sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài. Khi bị hội chứng cushing do thuốc, người bệnh thường có vẻ mặt tròn, da ửng đỏ, khô, thân mình tích mỡ, bụng to, nhưng tay chân lại thon thả, có thể kèm loãng xương, suy thận. Thuốc này dùng trong điều trị các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính….
Các thuốc có chứa glucocorticoid có thể gây ra hội chứng Cushing khi lạm dụng kéo dài như Medrol, Prednisone, Dexamethasone,… Về thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, chúng có thể gây đau dạ dày, buồn nôn, chảy máu, loét, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Đau là 1 dấu hiệu rất phổ biến, do rất nhiều bệnh gây ra: đau họng do viêm họng, đau tai, đau ngực trong nhồi máu cơ tim, viêm sụn sườn, đau bụng khi viêm dạ dày, viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng, trĩ, đau cơ khớp trong viêm khớp, thậm chí có những trường hợp đau vô căn vì không tìm được nguyên nhân…
Đau gây ra sự khó chịu, mất ngủ, suy nhược, kém tập trung, căng thẳng, ăn uống không ngon miệng. Việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ nên xem là 1 biện pháp tạm thời, hỗ trợ để khiến người bệnh dễ chịu, hợp tác hơn với các phương pháp điều trị khác. Nếu xem là thuốc chữa bệnh, lạm dụng, sẽ để lại hậu quả nặng nề. Khi bị đau, chúng ta nên tìm nguyên nhân gây đau, vì biết đâu khi sử dụng thuốc, chúng ta vô tình che lấp triệu chứng dễ bỏ sót bệnh. Ví dụ trong viêm ruột thừa, nếu uống giảm đau quá sớm khi chưa biết bệnh, chúng ta không sốt, không đau cho đến khi ruột thừa vỡ, gây nhiễm trùng nhiễm độc.