Nằm ngoài khơi bờ biển Croatia, thuộc vùng biển Adriatic, Baljenac là một hòn đảo nhỏ bé được bao phủ bởi hàng loạt bức tường đá khiến nó trông giống như một dấu vân tay giữa đại dương khi nhìn từ trên cao.
Các bức tường được tạo thành từ vô vàn viên đá xếp chồng lên nhau và có tổng độ dài là 23km, nhìn từ trên cao xuống, có thể bạn sẽ nghĩ đây là một mê cung, nhưng thật ra chúng chỉ cao đến khoảng nửa thân người. Chúng được tạo ra để hỗ trợ cho việc làm nông ở một nơi khắc nghiệt.
Địa hình đá và gió mạnh không lý tưởng cho việc trồng cây, vì vậy cư dân của hòn đảo Kaprije gần đó đã xây những bức tường đá này để chia tách và bảo vệ các loại cây trồng của họ, một số nhà nghiên cứu cho rằng hòn đảo từng được dùng để trồng nho. Phần lớn các bức tường được cho là dựng trong thế kỷ 19, nhưng một số phần có thể còn lâu đời hơn.
Đây cũng là một kỹ thuật được sử dụng ở các khu vực khác của Châu Âu, như Anh hoặc Ireland, nhưng chỉ ở đảo Baljenac những bức tường này mới khiến chúng ta liên tưởng đến dấu vân tay của con người. Hòn đảo không người ở này chỉ có diện tích bề mặt 0,14 km vuông nhưng có 23 km tường được tạo ra đơn giản bằng cách xếp chồng các tảng đá lên nhau và đây là nơi kỹ thuật này được sử dụng dày đặc nhất tính theo diện tích bề mặt.
Kể từ khi những bức không ảnh của Baljenac được chia sẻ trên Internet, nó đã trở thành một điểm hấp dẫn du khách trong khu vực. Dù người dân địa phương chào đón du khách, nhưng họ cũng lo rằng một số du khách bất lịch sự sẽ phá hỏng các bức tường này.
Chính phủ Croatia đã đề nghị UNESCO đưa hòn đảo này vào danh sách các di sản thế giới, điều này sẽ không chỉ thúc đẩy sự nổi tiếng của nó mà còn đảm bảo Baljenac được chính quyền địa phương bảo vệ cẩn thận hơn.