Bạn là người nghiện smartphone? Có lẽ bạn cần suy nghĩ lại khi đọc bài sau đây.
Tác hại nghiệm trọng của việc nghiện smartphone
Mới đây, James Carter - một bác sĩ nghiên cứu về xương hàng đầu của Úc đã công bố những bức hình chụp X-quang có thể khiến những "con nghiện smartphone" phải giật mình.
Cụ thể, đó là những bức hình chụp cột sống của trẻ em và thiếu niên đã bị biến dạng nghiêm trọng chỉ vì không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại.
Cột sống cong bất thường của một cô gái 16 tuổi (trái) và gai cột sống bị biến dạng của cậu bé 17 tuổi (phải).
Bác sĩ Carter cảnh báo rằng hiện tượng "text neck" (tạm dịch - cổ nhắn tin) - hậu quả của việc cúi xuống nhìn màn hình quá lâu đang dần trở thành dịch bệnh trong giới trẻ.
Ông chia sẻ: "Đây là một hiện tượng đáng báo động. Theo quan sát của tôi trong những năm qua, số lượng bệnh nhân bị biến dạng cột sống tăng rất mạnh, trong đó 50% là thanh thiếu niên.
Những người này có cột sống và đốt sống cổ cong về phía sau thay vì phía trước như người bình thường. Đến khi cột sống thoái hóa, họ sẽ phải chịu những cơn đau đầu, cổ, vai và lưng".
Hình dạng cột sống cổ bình thường: cong về phía trước, đốt sống mềm mại, khoảng cách giữa các đĩa đệm bằng nhau.
Theo nghiên cứu của bác sĩ, những người sử dụng smartphone đang dành ít nhất 4 tiếng/ngày nhìn vào màn hình - tức là một năm họ mất đến 1.400 giờ, dẫn đến áp lực kinh khủng lên đốt sống cổ.
Áp lực tăng dần theo góc nhìn điện thoại.
Cụ thể, khi ta đứng thẳng, cổ sẽ phải chịu một áp lực khoảng 5kg (12lb). Tuy nhiên khi cúi xuống, tùy theo góc độ mà áp lực cổ phải chịu tăng dần, dao động trong khoảng 12,2 kg (27lb) khi cúi 15 độ, đến 27kg (60lb) khi cúi 60 độ. Với áp lực khủng khiếp như vậy, lâu dần đốt sống cổ sẽ bị thoái hóa và biến dạng, tạo thành hiện tượng "cổ nhắn tin".
Theo bác sĩ Carter, sự biến dạng này sẽ mất rất nhiều công sức để nắn chỉnh, thậm chí sẽ cần đến phẫu thuật trong trường hợp quá nặng.
Tuy nhiên, đối với trường hợp nhẹ, ông cho biết cột sống có thể dịch chuyển khoảng 4cm sau một khoảng thời gian chỉ bằng cách giữ thẳng đầu. Ngoài ra, ông tin rằng các tổn hại đến cột sống của thanh thiếu niên có thể được giảm thiểu nếu họ chịu rèn luyện và có lối sống lành mạnh.
Một bệnh nhân 6 tuổi bị biến dạng đốt sống cổ (trái) và hình ảnh sau khi được chữa trị (phải).
Bên cạnh đó, bác sĩ cho rằng tình trạng "text neck" này có thể dẫn đến các trạng thái tâm lý như lo lắng, trầm cảm. Nguyên do là bởi áp lực lên cột sống có thể ức chế khu vực sản xuất các "hormone hạnh phúc" như serotonin và endorphin của cơ thể - những hormone có tác dụng điều chỉnh tâm trạng.
Hình ảnh như thế này không khó để bắt gặp ở những nơi công cộng.
Cụ thể ông cho rằng: "Việc cúi xuống nhìn màn hình sẽ gây kéo giãn cột sống và khu vực thân não. Điều này gây ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim và huyết áp. Ngoài ra, các hormone endorphins và serotonin - hai hormone hạnh phúc - có thể bị ức chế, khiến chúng ta thức dậy trong tâm trạng mệt mỏi, chán nản và lo lắng".