Cuộc chiến chống cúm gia cầm toàn cầu đã khẩn trương hơn từ 22/10/2005, sau khi nhiều chính phủ tăng cường các biện pháp tự bảo vệ bằng tiền, thuốc dự trữ và kế hoạch cách ly tại các sân bay. Các biện pháp này được đưa ra cùng lúc với tin tức về các ca cúm gia cầm xuất hiện tại Anh, Croatia, Nga và mới đây là Thụy Điển.
Bộ trưởng y tế Mỹ Michael Leavitt cũng khẳng định cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chận sự bùng phát thành đại dịch bệnh cúm gia cầm hiện nay.
Trong một diễn tiến khác, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hôm qua cũng tuyên bố sẽ bơm thêm 50 triệu USD để hỗ trợ cuộc chiến chống cúm gia cầm trước khi nó trở thành đại dịch làm ảnh hưởng mạng sống con người và kinh tế châu Á.
ADB cho rằng “một đại dịch tương đối nhẹ” cũng có thể làm khu vực này tổn thất khoảng từ 90 tỉ cho tới 110 tỉ USD do sự giảm sút đầu tư và mậu dịch. Còn một “sự bùng nổ lớn” có thể dẫn tới trì trệ kinh tế toàn cầu.
Cho tới hôm nay, đã xuất hiện thêm những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh tiếp tục chưa thể kiểm soát. Croatia hôm qua báo cáo một số ca thiên nga hoang dã bị cúm gia cầm, trong khi một gia cầm nhập nhiễm H5 từ Nam Mỹ đã phát hiện khi nhập khẩu vào Anh.
Đài Loan đã khẳng định sẽ sản xuất Tamilflu của mình, mặc cho Roche chỉ mới nhượng quyền sản xuất cho bốn công ty trong nước Mỹ.
Trong khi đó, Úc đã đưa kế hoạch sẽ cách ly hành khách tại các sân bay, đo thân nhiệt mà nếu ai không chấp hành cũng sẽ bị chuyển sang những trung tâm cách ly.
Báo chí Trung Quốc hôm nay cũng cho biết sẽ đóng cửa biên giới nếu xuất hiện ca đầu tiên lây cúm từ người sang người. Thứ trưởng y tế nước này Huang Jiefu khẳng định: "Cuộc sống con ngươi quan trọng hơn kinh tế" khi thông báo biện pháp này.
THÙY LINH (Theo Xinhua, Reuters)