Nghiên cứu mới của các nhà khoa học vừa công bố các sông băng thuộc vùng Andes, Nam Mỹ bị thu hẹp ở mức kỷ lục trong vòng 300 năm qua.
>>> Băng Greenland bất ngờ tan chảy ồ ạt
Theo các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm thuộc khoa sông băng và địa vật lý môi trường (LGEG) ở thành phố Grenoble, Pháp, hầu hết các sông băng khu vực Andes bị thu hẹp từ 30-50% kể từ khi được theo dõi từ năm 1970.
Các sông băng tại dãy Andes tan chảy quá nhanh trong vòng 300 năm qua - (Ảnh: BBC)
Đây là một đánh giá được cho là toàn diện nhất từ trước đến nay về nghiên cứu sông băng bị thu hẹp tại vùng Andes - nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng chục triệu người ở Nam Mỹ.
Các sông băng tại Andes tan chảy quá nhanh trong vòng 300 năm qua, trong đó vài sông băng có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong những năm tới, trích nhận định của nhà khoa học Antoine Rabatel - tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại LGEG.
Trước đây, sông băng Chacaltaya (tại dãy Andes thuộc địa phận Bolivia) từng nổi tiếng vì du khách kéo đến trượt tuyết trong mùa đông, nay đã gần như không còn nữa, BBC trích đăng.
Các nhà khoa học cho rằng sông băng nằm ở độ cao khoảng 5.400m tại vùng Andes thu hẹp quá nhanh, khoảng 1,35m độ dày băng/năm là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là nhiệt độ khu vực này tăng ở mức trung bình 0,7 độ C trong giai đoạn 1950-1994.
“Việc các sông băng tại Andes bị co lại quá nhanh sẽ dẫn tới thiếu nguồn nước ngọt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân sống ở khu vực khô cằn phía tây Nam Mỹ”, ông Rabatel nói với BBC.