Thịt trâu gác bếp là món ngon dịp Tết, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ lên sức khỏe nếu bị tẩm ướp nhiều phụ gia, hoặc không được hun khói đúng cách.
Bí quyết chọn thịt trâu gác bếp ngon
Thịt trâu gác bếp là món ăn được ưa chuộng ngày Tết bởi thơm ngon, bùi bùi, mùi hơi ám khói, thích hợp để tiếp đón khách. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết thịt gác bếp, hay thịt hun khói, là loại thực phẩm đã có từ lâu đời.
Các loại thịt hun khói thường được treo lên cao, quá trình đun bếp củi, khói được tạo ra và có chứa các chất kháng khuẩn tốt, giúp ức chế vi sinh vật, do đó thịt sẽ được bảo quản lâu hơn. Không chỉ thịt trâu mà thịt bò, thịt lợn... cũng được người dân các vùng Tây Bắc bảo quản theo cách như vậy, tạo nên một món ăn ngon đặc sắc.
Thực tế, nhiều nơi sản xuất thịt này thủ công, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không được kiểm định và cũng không có hạn sử dụng, tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe, như sau:
Nguy cơ chứa nhiều chất phụ gia
Các cơ sở chế biến sử dụng thịt kém chất lượng, sau đó sử dụng phụ gia hay hương liệu hóa học để tạo mùi vị cho món ăn, có thể dẫn đến dị ứng, ngộ độc cho người sử dụng. Chưa kể, nhiều trường hợp dùng thịt lợn để giả thịt trâu. Những loại thịt gác bếp làm giả thường sử dụng rất nhiều phụ gia để "biến hóa" màu sắc, mùi vị cho thịt, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người sử dụng.
Được hun khói chưa đúng cách
Thịt trâu gác bếp vốn là thịt sống, chưa trải qua công đoạn chế biến kỹ lưỡng nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đặc biệt lưu ý. Quy trình làm thịt gác bếp cần tuân thủ đúng thời gian hun khói, song nhiều cơ sở sản xuất giảm thời gian hun khói, khiến miếng thịt không chín đều, có chỗ ngon, chỗ bị hỏng. Những phần thịt không được tiếp cận với khói có thể chưa chín kỹ và dễ sản sinh nấm, vi sinh vật..., có thể gây họa cho sức khỏe.
Thịt trâu gác bếp xé sợi. (Ảnh: Blogspot).
Chuyên gia chỉ ra 3 điểm mà người tiêu dùng cần lưu ý khi mua thịt trâu gác bếp ăn Tết, như sau:
Màu sắc, kích thước
Thịt trâu gác bếp có màu sắc đen sẫm bên ngoài và bên trong là màu hồng tươi của thịt. Chiều dài 12-15 cm dạng bản to, dài, rộng 6-8 cm và dày 2-3 cm. Khi chế biến, cần phải dùng chày để đập dập và xé thành sợi rồi mới ăn được. Khi ăn sẽ thấy được độ đàn hồi và thịt không nát vụn khi xé.
Nếu thịt trâu gác bếp bị làm giả sẽ khó có được màu hồng tươi nói trên mà sẽ có màu hồng nhạt nếu như để đông lạnh hoặc màu đỏ sẫm khi làm giả từ lợn (nái) sề. Xé thịt không có độ dai, dễ bở và nát vụn.
Mùi vị
Thịt trâu gác bếp chuẩn sẽ được làm từ thịt trâu tươi, khi ăn sẽ cho độ ngọt của thịt và mùi thơm của các gia vị Tây Bắc quyện vào. Trong khi đó, nếu thịt trâu làm giả ăn sẽ không cảm nhận được vị thịt ngọt mà chỉ cảm thấy được mùi gia vị nồng lấn át.
Giá thành
Đối với những mặt hàng trâu gác bếp, lợn gác bếp chất lượng có giá bán trên thị trường khá cao, còn với những sản phẩm được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thì chắc chắn được làm giả hoặc nguyên liệu không đảm bảo. Thông thường 1 kg thịt trâu gác bếp cần khoảng 3 kg thịt trâu tươi, nếu quy ra giá thành thì sẽ không thể rẻ được, chưa tính chi phí cho nhân công và các nguyên liệu khác.
Nhìn chung, việc mua thịt trâu gác bếp ăn Tết cần chú ý về nguồn gốc xuất xứ, cơ sở sản xuất, giá thành, màu sắc, mùi vị, ngoài ra cũng không nên ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.