Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể khiến người bệnh xuất hiện tình trạng choáng váng, chóng mặt, tim đập nhanh khi đứng lên.
Bạn có thấy đầu óc lâng lâng, chóng mặt kèm theo nhịp tim tăng lên khi đột ngột đứng dậy không? Những điều này có biến mất khi bạn ngồi xuống hoặc nghỉ ngơi? Đó có thể là triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS).
Đây là tình trạng cảnh báo sự gia tăng nhịp tim bất thường xảy ra khi một người ngồi dậy hoặc đứng lên. Một số triệu chứng điển hình bao gồm chóng mặt và ngất xỉu.
Một số người có các triệu chứng nhẹ, trong khi nhiều người nhận thấy tình trạng này ảnh hưởng cuộc sống của họ. POTS thường cải thiện dần dần theo thời gian, khi sử dụng thuốc và có biện pháp chăm sóc sức khỏe hỗ trợ.
Tình trạng chóng mặt, tim đập nhanh khi đột ngột đứng dậy là triệu chứng phổ biến của hội chứng POTS. (Ảnh: Indiatimes).
Nguyên nhân gây ra POTS
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), thông thường, khi bạn ngồi dậy hoặc đứng lên, trọng lực sẽ kéo một lượng máu xuống vùng bụng, bàn tay và bàn chân. Sau đó, các mạch máu nhanh chóng thu hẹp, nhịp tim tăng nhẹ để duy trì lưu lượng máu đến tim và não, đồng thời ngăn ngừa tụt huyết áp.
Tất cả điều này thực hiện tự động và được điều khiển bởi hệ thống thần kinh tự trị - hệ thống thần kinh phụ trách các chức năng cơ thể tự động.
Với một người bị POTS, hệ thống thần kinh tự trị không hoạt động bình thường. Khả năng cung cấp máu cho tim và não bị giảm khi người bệnh đứng thẳng và tim phải "chạy đua" để bù đắp cho điều này.
Ở mọi tư thế, nhịp tim và huyết áp hoạt động phối hợp để giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Nhưng trong trường hợp POTS, nhịp tim và huyết áp không phối hợp nhịp nhàng, do đó, chúng dao động ảnh hưởng người bệnh khi họ đứng thẳng hoặc hoạt động thể chất.
Nhiều nghiên cứu cũng thấy ở phụ nữ mắc POTS, tình trạng rõ ràng và tồi tệ hơn trong chu kỳ kinh nguyệt.
Báo cáo sức khỏe của Viện Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ cho biết: "Với người mắc POTS, tình trạng choáng váng hoặc ngất xỉu cũng đi kèm với nhịp tim tăng nhanh hơn 30 nhịp/phút hoặc nhịp tim vượt quá 120 nhịp/phút trong vòng 10 phút sau khi tăng".
Vấn đề này chỉ đáng lo ngại khi một người đột ngột đứng dậy, nó sẽ biến mất khi người đó nghỉ ngơi hoặc ngồi xuống.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Theo India Times, triệu chứng phổ biến của POTS là cảm thấy choáng váng khi đứng lên. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng kèm theo như cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, sương mù não hoặc khó tập trung, đánh trống ngực, thậm chí đôi khi bị ngất xỉu.
Những người mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng cũng dễ bị các dấu hiệu bất thường như nhức đầu, đầy bụng, táo bón, thiếu ngủ hoặc mất ngủ và khó thở. Do khó thở và mệt mỏi, những người này có thể gặp khó khăn khi hoạt động thể chất cường độ cao như tập thể dục.
NHS cho biết POTS chủ yếu ảnh hưởng nữ giới, phổ biến ở trẻ em gái và phụ nữ 15-50 tuổi.
"Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể phát triển POTS, nhưng phần lớn những người bị ảnh hưởng (75-80%) là phụ nữ từ 15 đến 50 tuổi. Một số phụ nữ cho biết có sự gia tăng các đợt POTS ngay trước kỳ kinh nguyệt của họ. Tình trạng này thường bắt đầu sau khi mang thai, phẫu thuật lớn, chấn thương hoặc bệnh do virus gây ra", báo cáo của Viện Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Quốc gia Mỹ cho biết.
Tình trạng này cũng có thể phát sinh sau khi một người mắc bệnh nặng. Các chuyên gia cho biết những người mắc một số bệnh tự miễn dịch như bệnh celiac, hội chứng Sjogren dễ bị POTS.
POTS xảy ra phổ biến ở phụ nữ từ 15 đến 50 tuổi. (Ảnh: Tonline).
Cách giảm triệu chứng POTS
Theo Healthline, mỗi người mắc POTS đều có tình trạng không giống nhau. Một số bệnh nhân có thể thấy các triệu chứng xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian nhiều năm.
Không có phương pháp điều trị hoặc thuốc dành riêng cho tất cả bệnh nhân mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng. Nhiều người bệnh có thể phải mất thời gian để tìm ra đúng loại thuốc và cách thay đổi lối sống hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Trong hầu hết trường hợp, với sự điều chỉnh trong chế độ ăn uống, thuốc men và hoạt động thể chất, người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng POTS cũng giảm dần nếu tìm thấy nguyên nhân cơ bản và được điều trị kịp thời.
Thay đổi chế độ ăn uống là một phần của việc điều trị POTS. Bằng cách tăng lượng nước uống và bổ sung nhiều natri hơn vào chế độ ăn, người bệnh có thể tăng lượng máu trong cơ thể và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều muối cũng không có lợi cho sức khỏe, vì vậy, người bệnh nên nhờ tư vấn lượng natri cần thiết bởi bác sĩ chuyên khoa.
Các bữa ăn nhỏ và thường xuyên sẽ giúp người bệnh hấp thụ dưỡng chất tốt hơn và giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều chất xơ và carbohydrate phức hợp có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến.