Laura Crow mắc hội chứng nhịp tim nhanh khiến cô ngất xỉu khi nhảy, cười quá nhiều hay làm "chuyện ấy".
Với Laura Crow (31 tuổi, ở Southend-on-Sea, Essex, Anh), chuyện chăn gối trở thành nỗi ám ảnh. Bởi mỗi lần làm “chuyện ấy”, Laura đều khó thở, tức ngực và ngất xỉu.
Năm 2011, bác bác sĩ chẩn đoán bà mẹ 3 con mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (Postural tachycardia syndrome - PoTS). Điều đó có nghĩa 50% các hoạt động hàng ngày mà Laura thực hiện sẽ trở thành tác nhân khiến cô ngất xỉu.
Trung bình, mỗi phút trái tim người trưởng thành đập từ 60 đến 100 lần. Khi trái tim đập trên 100 nhịp/phút gọi là nhịp tim nhanh. Tim đập dưới 50 nhịp/phút gọi là nhịp tim chậm.
Laura Crow và chồng - anh Ben. (Ảnh: Caters).
Căn bệnh khiến trái tim của Laura Crow đập 110 nhịp mỗi phút. Bất kỳ khi nào người phụ nữ này tiếp xúc điều gì thú vị khiến cô vui vẻ, cảm xúc hưng phấn (như sự bất ngờ, khoái cảm, hạnh phúc…), cơ thể sẽ tạo ra adrenaline. Điều này khiến nhịp tim của Laura tăng vọt lên 180 lần/phút. Kết quả, Laura đột ngột ngất xỉu.
Chứng bệnh này xảy ra sau khi Laura mang thai đứa con đầu lòng. Cho đến nay, cô vẫn đối mặt với điều đó và sinh thêm 2 người con.
Chia sẻ với tờ Caters, Laura tâm sự rằng chuyện chăn gối của hai vợ chồng ban đầu trở thành “cơn ác mộng” với cô. Bởi mỗi lần “yêu”, Laura đều ngất xỉu giữa chừng. “Tình trạng ngất xỉu có thể xảy ra bất kỳ ở đâu và rất đột ngột. Nhưng với người mắc chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng, "chuyện ấy" là cách khiến họ ngất nhanh nhất”, Laura nói.
Cô và chồng - anh Ben (31 tuổi) - vẫn không thể quên được lần đầu tiên họ gặp phải tình trạng này. “Đó là một cú sốc lớn với cả hai chúng tôi. Khi cả hai đang thăng hoa, tôi đột ngột nằm bất động. Khi tôi tỉnh dậy, Ben rất buồn. Anh ấy đau khổ và không hiểu lý do vì sao”, người phụ nữ này chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Laura, tình trạng sức khỏe không ảnh hưởng quá nhiều tới mối quan hệ của họ sau khi cả hai hiểu về hội chứng này.
Ngoài “chuyện ấy”, các hoạt động kích thích cảm xúc khác cũng trở thành căn nguyên khiến cô bất tỉnh đột ngột. Đó là suy sụp, mệt mỏi, thân nhiệt không ổn định, cười quá nhiều, tập thể dục… Nó khiến người phụ nữ này gần như phải giữ cảm xúc ổn định.
“Cười với tôi bây giờ cũng quá khó khăn. Ben từng thọc lét tôi trước đây. Rồi tôi cười mãi không thôi và lăn đùng ra ngất. Trải nghiệm đó không thể nào quên được”, Laura bộc bạch.
Ban đầu, Laura bị ngất 7-8 lần/ngày. Từ sau khi có thêm 2 đứa con, các triệu chứng của cô đã thuyên giảm và thường chỉ xảy ra 1-2 lần/ngày.
Những người mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng thường bị mờ mắt, đau đầu, chóng mặt, khó thở hoặc thậm chí ngất xỉu khi có cảm xúc hưng phấn, vui vẻ. (Ảnh: Freepik.
Nguyên nhân)
Theo Dysautonomia International, hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng ảnh hưởng 1/100 thanh thiếu niên. Tại Mỹ, 1-3 triệu người mắc chứng bệnh kỳ lạ này. PoTS thường gặp ở phụ nữ trẻ, dưới 35 tuổi và xảy ra sau khi nhiễm trùng máu, virus, mang thai, sốt, phẫu thuật, chấn thương. Tỷ lệ nam, nữ mắc bệnh là 5:1.
PoTS là tình trạng máu vận chuyển về tim bị giảm đột ngột khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng. Nó khiến người mắc đứng dậy trong tình trạng choáng váng, nặng hơn là ngất xỉu. Kèm theo đó, bệnh nhân bị nhịp tim nhanh. Người bệnh sẽ thuyên giảm triệu chứng khi được nằm ngửa nghỉ ngơi.
Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán trong độ tuổi 15-50. Người mắc bệnh thường bị giảm thể tích tuần hoàn và nồng độ norepinephrine trong huyết tương cao khi đứng. 50% người mắc bị bệnh liên quan thần kinh vận động. Một số cá thể gặp tình trạng tím đỏ ở chân khi đứng do lưu thông kém.
Người nắc PoTS thường có các triệu chứng như nhìn mờ, chóng mặt hoặc ngất xỉu, tim đập nhanh, đau đầu, kém tập trung, mệt mỏi, hụt hơi. Ngoài ra, bệnh nhân bị buồn nôn, chuột rút, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy. Một số dấu hiệu khác như khó chịu phần đầu, cổ, ngực, yếu cơ, rối loạn giấc ngủ, khó tập luyện thể thao, lo âu, lạnh hoặc đau tứ chi…
PoTS khiến một người đang ngồi hoặc nằm đột ngột đứng lên bị chóng mặt, ngất xỉu. (Ảnh: Freepik).
Nguyên nhân gây nên hội chứng trên vẫn còn là một ẩn số. Nhiều nghiên cứu đặt giả thuyết tình trạng này xảy ra có thể liên quan đến các yếu tố nhất định. Đó là suy giảm chức năng các dây thần kinh, đặc biệt là chân; giảm lượng máu lưu thông trong cơ thể bất thường; máu vận chuyển đến tim ít khi chuyển tư thế nằm sang đứng; khả năng điều hòa huyết áp kém…
Một số trường hợp bị nhịp tim nhanh tư thế đứng do di truyền. Các nghiên cứu chỉ ra những biến thể đa hình như gene NOS3, ADRB2 có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này. Đột biến gene vận chuyển norepinephrine SLC6A2 cũng từng được tìm thấy trong một gia đình có người mắc PoTS.
Tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho hay hội chứng còn có thể xuất phát từ những người bị tiểu đường, bệnh amyloidosis, sarcoidosis, lupus ban đỏ, hội chứng Sjögren hoặc ngộ độc rượu, kim loại hay ung thư.
Để ngăn ngừa và giảm ảnh hưởng của PoTS, cơ quan trên khuyến cáo chúng ta nên uống nhiều nước, tăng dần tốc độ trong các bài tập. Một số loại hình thể thao tốt cho người mắc PoTS là bơi lội, chèo thuyền, đi bộ… Chúng giúp bệnh nhân xây dựng cơ bắp, tăng cường lượng máu bơm tới tim.
Ngoài ra, khi ngủ, bệnh nhân nên gối cao, mặc quần áo bó để cải thiện lưu lượng máu ở chân, tránh đứng quá lâu. Caffeine và rượu, muối là những thực phẩm cần tránh ở những người mắc PoTS.