Không chỉ có thể thay sức kéo trâu bò, chiếc cày đa năng còn giúp người dân chủ động thời vụ và làm tăng năng suất lao động lên gấp 5-6 lần trên 1 sào đất. Ít ai ngờ được rằng, công cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân vùng bãi bồi ven Vu Gia lại được làm từ những chiếc xe đạp hỏng, dưới óc sáng tạo của nông dân Lương Minh Đồng (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, Đại Lộc).
Chỉ với sức đẩy tay của phụ nữ, thiếu niên cũng có thể dùng chiếc cày tay này để cày, xới đất, vun luống, xén cỏ, bón phân, gieo hạt. Tuỳ theo công năng sử dụng mà ông Đồng có thể chế tác ra từng loại lưỡi cày hợp lý, gắn vào cày tay đó.
Khởi sự từ nghề rèn
Bôn ba với nhiều công việc, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Gia đình đến 8 miệng ăn chỉ trông chờ vào một mình ông, thế là anh lính xuất ngũ Lương Minh Đồng quyết tâm theo nghề rèn khi đã bước qua tuổi trung niên. Gia đình không có tiền nên “cơ sở rèn” của ông cũng chỉ là một cái lều dựng tạm xơ xác bên quốc lộ 14A. Nhưng, nghề rèn cũng không dễ kiếm cơm, lại còn vất vả, phải tay đe tay búa liên tục.
Cái khó cứ dồn đuổi, gieo trong ông suy nghĩ là phải làm sao sáng chế ra được một sản phẩm có lợi cho nông dân, vừa tiện lợi, vừa dễ bán và có khả năng thu lợi nhuận... Suy nghĩ là vậy, nhưng sáng chế ra công cụ gì đó cho nông dân cũng đâu phải dễ dàng. Thế rồi, bất chợt trong một lần ngồi nhìn những đứa trẻ chơi với nhau, thấy chúng cầm chiếc ghi đông xe đạp chơi đùa, cái phuộc xe cày xuống mặt đất tạo thành những vệt theo ý đồ của chúng, ông nảy sinh ý tưởng về một chiếc cày bằng xe đạp. Nghĩ là làm, ông hì hục nghiên cứu, bắt tay vào chế tạo chiếc cày với phần trước là bánh xe đạp, phía dưới là lưỡi cày. Một thời gian ngắn sau, cái cày đa năng cũng hình thành sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, thử nghiệm ở cái lò rèn rách nát.
Giảm một nửa sức lao động nông dân
Sáng tạo của nông dân Lương Minh Đồng (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, Đại Lộc). |
Xã Đại Hồng, Đại Lộc nằm bên sông Vu Gia, đất nông nghiệp ở đây hầu hết là đất bồi nên chiếc cày này trở nên rất hữu dụng. Chiếc cày có công năng giải phóng hàng vạn công lao động, giải phóng trâu cày... lại đơn giản đến khó ngờ. Chiếc bánh xe ở phía trước sẽ làm giảm sức đẩy của người, ghi đông sẽ giúp người cày có thể cày theo ý muốn.
Ban đầu chiếc cày chỉ đơn thuần là để cày đất, nhưng sau đó ông tiếp tục nghiên cứu để có thể thêm nhiều chức năng. Từ “nguyên liệu” chủ yếu là những phế phẩm được tận dụng lại như ghi đông, khung xe đạp, miếng tôn, lưỡi cưa hỏng, đến nay, chiếc cày đã được ông Đồng cải tiến thành 3 chức năng: cày đất, xới cỏ và vun đất. Giờ đây không cần tới sức kéo của trâu nữa, khi có chiếc cày này thì chỉ cần có 2 người là có thể làm được cả mẫu đất trong một mùa vụ. Có thể nói, chiếc cày này đã giảm được 50% sức lao động của nông dân.
Theo ông Phan Văn Chín, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng thì nông dân toàn xã hầu hết đã sử dụng cày đa năng trên những thửa ruộng của mình. Chiếc cày không những giúp giảm bớt sức lao động mà còn làm cho nông dân chủ động hơn trong việc đảm bảo gieo hạt đúng quy trình kỹ thuật và lịch thời vụ. Nông dân muốn cày dày hay thưa đều được, lại không còn phải phụ thuộc vào sức kéo của trâu. Hơn nữa trước kia cày trâu thì phải chờ cày cho nhà này rồi mới cày cho nhà kia nên không đảm bảo được lịch thời vụ.
Đến nay, sản phẩm của anh Đồng đã bán được trên 5000 chiếc, với giá khoảng 200 nghìn đồng/chiếc. Sản phẩm hiện đã có mặt khắp các địa phương lân cận trong tỉnh, và một số tỉnh như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên... Hiện nay, ông Đồng đang ấp ủ một số dự định tạo ra sáng chế khác, như hệ thống giúp tỉa hạt tiết kiệm công lao động, lắp thêm động cơ chạy xăng để kéo cày trên đất cứng và ruộng lúa nước... Nhưng, ông còn khá ngần ngại cho ra sản phẩm vì lo lắng nhiều lò rèn khác có thể “ăn cắp” mẫu mã, sản xuất sản phẩm mà chính mình bỏ bao công sức nghiên cứu.
Có lẽ để giải bài toán này, chắc chắn ông Đồng cần cần nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp để bảo vệ thành quả sáng tạo của mình.