Dân số thế giới tiếp tục tăng lên từng ngày nhưng tình trạng thiếu đất sản xuất lương thực khó có thể xảy ra, bởi nhân loại vẫn còn hàng tỷ hecta đất chưa được khai thác tại châu lục đen.
Đây là tuyên bố của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) trong một báo cáo về thực trạng sử dụng đất nông nghiệp trên toàn cầu.
"Cả thế giới đang trồng cây lương thực trên 1,4 tỷ hecta đất và chúng ta vẫn còn khoảng 1,6 tỷ hecta nữa chưa được sử dụng. Hơn một nửa diện tích đất chưa được khai phá nằm ở châu Phi và Mỹ Latinh", báo cáo khẳng định.
Theo một bản báo cáo khác do Ngân hàng Thế giới (WB) và FAO công bố, ít nhất 400 triệu hecta đất - nằm rải rác tại 25 quốc gia châu Phi - đủ màu mỡ để trồng cây lương thực song lại chưa được khai thác. Nếu tính cả phần đất này vào diện tích đất đang sử dụng, châu Phi có thể cung cấp lương thực cho cả hành tinh trong 10 năm tới.
Châu Phi vẫn còn khoảng 400 triệu hecta đất chưa được khai phá. (Ảnh: oneworld.net) |
Những mô hình về chuyển đổi mục đích sử dụng đất canh tác đã được áp dụng rộng rãi tại Thái Lan. Tại đây những hộ nông dân nhỏ đã biến những mảnh đất cằn cỗi thành đồng ruộng xanh tốt. Từ bài học kinh nghiệm của Thái Lan, các nhà khoa học của WB, FAO và OECD cho rằng, thành công trong tương lai của cả thế giới phụ thuộc vào việc các chính phủ có nỗ lực hết sức để đưa nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo hay không.
Hai bản báo cáo đều kết luận rằng, bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất lâu dài cho nông dân là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giúp nông dân thoát nghèo.