Theo tiến sĩ Tạ Văn Bình, giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, phương pháp tốt nhất hạn chế nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ em là tăng cường các hoạt động thể lực và tạo thói quen ăn uống hợp lý.
Theo các bác sĩ nội tiết, bệnh béo phì là nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em. Thông thường bệnh đái tháo đường type 2 chỉ gặp ở những người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả nên cho con cái ăn uống bằng chế độ ăn không hợp lý đã dẫn tới tỷ lệ trẻ mắc bệnh béo phì ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
PGS-TS Tạ Văn Bình cho biết tỷ lệ bệnh béo phì ở thành phố cao hơn nông thôn.
Ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ thừa cân ở học sinh tiểu học đã lên tới gần 10%, cá biệt có những vùng tỷ lệ này còn cao hơn nhiều.
Một khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ bao gồm đầy đủ các chất đạm, vitamin, khoáng chất có trong thực phẩm và hoa quả tươi.
Tuy nhiên không phải người lớn nào cũng có nhận thức đúng và đủ về vấn đề này.
Bằng chứng là trẻ em béo phì tại Việt Nam chủ yếu rơi vào những gia đình khá giả. Bên cạnh việc tăng nguồn năng lượng hấp thụ vào cơ thể, những trẻ bị béo phì lại giảm dần việc tiêu dùng năng lượng.
Theo TS Bình đây là hậu quả của những tiến bộ công nghệ, lối sống tĩnh tại và tăng tiêu thụ thức ăn có tỷ lệ chất béo và năng lượng cao.
Hiện nay việc giảm tiêu thụ năng lượng là kết quả của việc sử dụng máy vi tính, điều khiển từ xa, lò vi sóng, đi lại bằng ô tô. Bên cạnh đó ít hoạt động thể lực là yếu tố góp phần vào gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em.
Nhiều công trình khoa học đã chứng minh rằng, hiện nay tỷ lệ béo phì tăng tỷ lệ thuận với thời gian xem vô tuyến trong ngày nhưng lại tỷ lệ nghịch với thời gian hoạt động ngoài trời.
Theo đánh giá của tiến sĩ Bình, thay đổi chế độ ăn cho một đứa trẻ để tránh bệnh béo phì dẫn tới đái tháo đường type 2 rất khó vì phải điều chỉnh chế độ ăn cho cả gia đình.
Hiện nay, phương pháp có giá trị nhất trong việc hạn chế nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ em là tăng cường các hoạt động thể lực và tạo thói quen ăn uống hợp lý.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo người lớn cũng cần phải cân nhắc thận trọng trong chế độ ăn của trẻ em vì đây là đối tượng đang trong giai đoạn hoàn thiện, phát triển cơ thể.