Tại hai tỉnh đang có dịch cúm gia cầm hôm nay chưa phát hiện người nào nhiễm H5N1. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn gửi công điện khẩn yêu cầu Bạc Liêu và Cà Mau giám sát ngay những người ở khu vực có gia cầm chết để phát hiện sớm các ca nhiễm bệnh nếu có.
Theo Bộ Y tế, ngoài việc xem xét các biểu hiện bất thường trên người ở khu vực có dịch, hai tỉnh trên còn phải yêu cầu các gia đình có gia cầm chết tiêu độc, khử trùng môi trường; vận động người dân tăng cường cảnh giác, nếu có gia cầm bệnh hoặc chết phải báo ngay.
Chủ trương này cũng đã được 2 tỉnh có dịch cúm gia cầm triển khai nhanh chóng. Phó giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Nguyễn Kiến Thiết cho biết, những hộ chăn nuôi có gia cầm bị dịch chết được đo nhiệt độ, theo dõi triệu chứng hằng ngày... nhằm phát hiện và cách ly kịp thời những người có biểu hiện nhiễm bệnh. Nếu cần thiết, Sở Y tế sẽ lấy mẫu dịch mũi, họng của một số người đưa đến viện Pasteur TP HCM làm xét nghiệm.
Y tế Bạc Liêu cũng kết hợp với cơ quan thú y xử lý môi trường, tiêu hủy gia cầm bệnh đúng tiêu chuẩn để tránh tình trạng phát tán dịch. "Vì địa phương đã có dịch từ năm 2004 nên rất cảnh giác. Từ tháng 9, y tế Bạc Liêu đã bắt đầu tập trung đối phó với cúm gia cầm" - ông Thiết nói.
Sở y tế đã đốc thúc các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến xã trở nên triển khai sẵn sàng hệ thống phòng cách ly, thuốc men dự trữ đề phòng trường hợp dịch bệnh xảy ra trên người. Việc truyền thông hướng dẫn người dân cách tránh lây nhiễm bệnh từ gia cầm cũng được đẩy mạnh.
Tình hình cũng tương tự đối với tỉnh Cà Mau. Theo Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau Huỳnh Trung Kiên, dịch bệnh xuất phát từ nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng con giống lậu không được tiêm văcxin nên việc kiểm soát và xử lý môi trường khá khó khăn.
Trước mắt, ngành y tế kết hợp ngành nông nghiệp xử lý môi trường ở những nơi phát dịch. Sở Y tế cũng cử đoàn công tác đến các tuyến dưới kiểm tra lại hệ thống phòng cách ly, dụng cụ y tế, thuốc men phục vụ cho công tác cấp cứu người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus H5N1. Cà Mau cũng mua thêm thuốc mới thay thế những thuốc dự trữ đã lâu.
"Các cơ quan đang chờ xin ý kiến của UBND tỉnh xem có nên công bố dịch hay không. Nếu công bố dịch, ngành y tế sẽ có một số biện pháp quyết liệt như tăng cường truyền thông để khuyến cáo, thậm chí cấm người dân tiếp xúc với gia cầm đã chết hay ăn thịt gia cầm...", ông Kiên cho biết.
Đồng thời, chúng tôi cùng đề nghị người dân phải thực hiện ăn chín uống sôi, khi có triệu chứng sốt bất thường phải đi khám ngay ở cơ sở y tế.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, không chỉ Cà Mau, Bạc Liêu mà các địa phương khác cũng phải cảnh giác cao độ với cúm trên người, bởi dịch bệnh rất dễ bùng phát trong mùa đông xuân năm nay. Bộ Y tế đang chuẩn bị gửi công văn yêu cầu các tỉnh thành chuẩn bị sẵn sàng chống dịch. Trong mấy ngày tới, Cục Y tế dự phòng sẽ gửi các đoàn chuyên gia xuống các địa phương, các viện, bệnh viện để kiểm tra lại các phương tiện, máy móc, các hoá chất phòng chống dịch cúm. Hiện nay, theo ông Nga, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm của ngành y tế đã khá hoàn tất. Sau bão số 9, số 10, ngành y tế đã cấp lại ngay phương tiện, hoá chất phòng dịch cho các địa phương, các cơ sở y tế. |
Mỹ Lan - Thanh Nhàn