Bắt đầu từ ngày 15/11, các gia đình, các hộ chăn nuôi, các cá nhân không được nuôi gia cầm trong các quận nội thành.
Đó là một trong những quy định tạm thời về phòng, chống dịch cúm gia cầm tại Hà Nội. Điều này có nghĩa là không ít hộ gia đình phải từ giã con vật yêu quý của mình như chim cảnh, gà chọi v.v…để phòng tránh dịch cúm gia cầm. Thế nên, trước giờ quy định có hiệu lực, mỗi người lại chọn cho mình một kiểu “từ biệt” con vật yêu quý một cách khác nhau.
Nỗi buồn nộp chim
Mọi người trong khu tập thể chỉ có thể hiểu được sự tình của sự việc khi biết rằng hôm nay là ngày cuối cùng được nuôi gia cầm trong thành phố.
Vốn mê chơi chim cảnh, xem chim như người bạn nhưng trước nguy cơ dịch bệnh H5N1 ông cũng đành lòng rời xa lồng chim yêu quý. Chim cảnh thì ông có thừa, kinh nghiệm nuôi chim thì ông không thiếu nhưng... phải từ giã thú chơi tao nhã rất “điền viên” của mình thì ông không thể chịu nổi.
Ông nhìn lại, những con vật cưng của mình lần cuối. Gần chục con chim cu, chim ngũ sắc, chim sáo... giờ đây phải mang đi nộp cho cán bộ phường. Ai cũng bảo, chim quý, chỉ nuôi trong lồng thôi thì việc gì phải nộp. Bạn bè thì hiến kế, bảo ông mang chim về quê nuôi tạm cho qua ngày dịch cúm gia cầm nhưng ông không thể.
“Con cúc cu nó hót hay lắm, cả khu tập thể đều mê, nhưng quy định đã ban hành, không chấp hành không được, cũng vì sức khoẻ của bà con thôi mà” - vừa nâng niu con chim quý trên tay ông Hoàn vừa cho biết. Thế nên, đành giã từ người bạn tâm giao hay gù gù của mình vậy.
Giấu được con nào hay con nấy
Thấy đội quân thu gom gia cầm của phường Nam Đồng xuất hiện, bà Lê Thị Nhàn (số 1, phố Hồ Đắc Di) vội vàng thu dọn lồng chim của mình để “phi tang dấu vết”. Khi cán bộ phường thuyết phục mãi, bà Nhàn mới mang lồng chim ra và nhắn nhủ “con vẹt mới nuôi được năm tháng, còn non lắm, xin các anh nhẹ tay...”.
Đội thu gom gia cầm của phường Nam Đồng cho biết, chỉ hơn một tiếng đã gom được gần 50 con gà công nghiệp, gà chọi và chim cảnh các loại. Mỗi con giao nộp sẽ được hỗ trợ 15.000đ. Còn đối với những người tự tiêu huỷ sẽ không được hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi đội thu gom đến từng nhà thì một số gia đình đã phóng sinh chim cảnh hoặc gửi đi các nơi khác. Còn có gia đình lại giấu biệt ở trong nhà mà không chịu giao nộp.
Chị Hoàng Thị Kim Ánh (Trạm thú y quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Phải đi vận động các gia đình ra giao nộp. Cũng có rất nhiều nhà phản đối vì chim người ta nuôi lâu năm và rất quý. Tuy nhiên, chúng tôi phấn đầu ngày mai sẽ đi tiêu huỷ hết các số gia cầm còn lại”.
Gà nào cũng bắt
Ông Xuân cho biết: “Trước sau gì cũng phải giao nộp thôi mà. Chuẩn bị trước vẫn hơn!”. Nhưng ông vẫn ngậm ngùi “anh biết đấy, giống gà chọi này đẳng cấp lắm, không cố giữ thì... mất nghề chọi như chơi. Nhà tôi còn đỡ, còn những nhà mất luôn cả đàn gà thì sao?”.
Xem ra, các quận trong nội thành đang đẩy mạnh các biện pháp giám sát việc chăn nuôi gia cầm tại các địa bàn ở Hà Nội. Gia cầm sẽ được tập trung đưa đi tiêu huỷ để đề phòng khả năng lây nhiễu dịch cúm gà.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về tính khả thi của quy định cấm chăn nuôi gia cầm trong thành phố khi ý thức tự giác chấp hành của người dân còn rất hạn chế.
Đìu hiu chợ gà
Cùng cảnh với những hộ chăn nuôi chim cảnh, gia cầm, chiều 14/11, các hộ kinh doanh tại chợ gà bán tống sản phẩm cuốn gói về sớm. Những đống bu được quẳng vào một góc chợ, những dãy hàng gà trước nhộn nhịp là thế nay cũng không một bóng người.