Hạt gây ô nhiễm không khí "chui" vào nhau thai?

Những hạt này xâm nhập vào nhau thai thông qua hoạt động hít thở của người mẹ.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng chục nghìn hạt gây ô nhiễm không khí trong nhau thai, cho thấy từ khi chưa ra đời, trẻ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi carbon đen đến từ các loại khí thải do đốt nhiên liệu.

Gây tổn thương cho mẹ và bé

Trong mỗi mẫu nhau thai được phân tích, các chuyên gia tìm thấy tới hàng chục nghìn hạt bụi nhỏ trên mỗi milimet vuông mô. Những hạt này xâm nhập vào nhau thai thông qua hoạt động hít thở của người mẹ. Từ đó gây nên các vấn đề như sinh non, trẻ thiếu cân và làm tăng khả năng sảy thai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính độc tố trong các hạt này là nguyên nhân gây tổn thương cho mẹ và bé, không chỉ là phản ứng viêm do ô nhiễm thông thường.


Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và thai nhi trong bụng.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu dùng kỹ thuật laser để kiểm tra 25 bánh nhau của các thai phụ không hút thuốc, sống ở thị trấn Hasselt, Bỉ. Nơi đây có mức độ ô nhiễm không khí thấp hơn giới hạn Liên minh châu Âu EU đưa ra, nhưng vượt qua tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Họ dùng laser xung cực ngắn, giúp các hạt carbon đen phát ánh sáng trắng nhạt khi tiếp xúc, nhờ đó đo lượng hạt có trong nhau thai.


Nhóm nghiên cứu dùng kỹ thuật laser để kiểm tra 25 bánh nhau của các thai phụ không hút thuốc, sống ở thị trấn Hasselt, Bỉ.

Kết quả, số lượng hạt gây ô nhiễm phát hiện trong nhau thai có sự tương quan với điều kiện sống của người mẹ: Có trung bình 20.000 hạt nano ô nhiễm trên mỗi milimet khối mô nhau thai của những thai phụ sống gần đường lớn, con số này đối với những người sống xa đường lớn là trung bình 10.000 hạt/milimet khối mô. Các chuyên gia còn phân tích của mẫu nhau thai của các thai bị sảy và tìm thấy các hạt ô nhiễm trong bào thai 12 tuần tuổi.


Phụ nữ tiếp xúc với carbon càng nhiều khi mang thai, lượng carbon ở nhau thai cũng sẽ tăng theo.

Hiện các nhà khoa học chưa chứng minh được, có hay không các hạt carbon đen từ nhau thai bám vào bào thai, cũng như hệ lụy sức khỏe những hạt này để lại cho mẹ và bé.

Bác sĩ Yoel Sadovsky, tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh, chuyên gia về nhau thai, tham gia nghiên cứu, cho biết.

“Tuy nhiên, phát  hiện này có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Yoel nói thêm.

Báo cáo đầu tiên về các hạt ô nhiễm trong nhau thai được trình bày tại một hội nghị vào tháng 9/2018, bởi nhóm nghiên cứu của Giáo sư Jonathan Grigg, tuy nhiên thành phần của các hạt này chưa được xác định. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục phân tích mẫu máu của các thai nhi, để xác định các hạt này có khả năng gây tổn thương DNA hay không.


Hạt carbon đen xuyên thủng nhau thai: Bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi trong bụng mẹ.

Thai phụ cần chủ động tránh những nơi đông đúc, nhiều khói bụi

Giáo sư Tim Nawrot của Đại học Hasselt, Bỉ, – người đứng đầu nghiên cứu, chia sẻ: “Sẽ rất nguy hiểm nếu thai nhi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Những tổn thương xảy ra trong thai kỳ có thể để lại hậu quả suốt đời cho trẻ. Đây là thời kỳ mong manh, dễ bị ảnh hưởng nhất trong cuộc đời của mỗi người, khi tất cả các cơ quan nội tạng đang được hình thành và phát triển. Để bảo vệ các thế hệ tương lai, chúng ta phải giảm thiểu ô nhiễm”.

Theo ông, các chính phủ có trách nhiệm cắt giảm ô nhiễm không khí, tuy nhiên, mọi người và đặc biệt là các thai phụ, cần chủ động tránh những nơi đông đúc, nhiều khói bụi, giờ giao thông cao điểm… mỗi khi có thể.


Hạt carbon đen được tìm thấy trong mặt trong của nhau thai, nghĩa là thai nhi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ chúng. (Nguồn BBC).

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các hạt carbon đen trong nước tiểu của học sinh tiểu học. Trong một báo cáo khoa học được công bố vào năm 2017, họ đã tìm thấy trung bình 10 triệu hạt/mililit nước tiểu của hàng trăm trẻ em từ 9-12 tuổi. Theo ông Nawrot, các hạt này có thể dịch chuyển từ phổi đến tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể.

Trước đây, có nhiều đánh giá quy mô toàn cầu đã kết luận rằng, ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể, có khả năng xâm nhập vào hầu như mọi tế bào của con người. Các hạt ô nhiễm siêu nhỏ cũng đã được tìm thấy trong máu, tim, phổi… của những cư dân thành thị.


Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng báo động.

Ô nhiễm không khí ở mức độ thấp cũng có thể gây hại

Hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, ô nhiễm không khí ở mức độ thấp cũng có thể gây hại; 90% dân số thế giới đang sống ở những nơi chỉ số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra.

Giáo sư Grigg, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy các hạt ô nhiễm trong cơ thể của mọi phụ nữ. Như vậy, mỗi ngày chúng ta đều bị bủa vây bởi những hạt này. Các thai phụ là đối tượng cần lưu ý bảo vệ sức khoẻ nhất. Đây chính là dấu hiệu báo động, cho thấy chúng ta cần hành động ngay để giảm thiểu ô nhiễm không khí”.

Tuy nhiên, theo ông Grigg, các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về tác hại của các hạt bụi nano sau khi xâm nhập vào mô. Thay vì quá lo lắng, mọi người nên có các biện pháp tích cực để giảm ô nhiễm không khí, như sử dụng các phương pháp di chuyển thân thiện với môi trường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng… thay vì đi ô tô, xe máy cá nhân.

“Thật sự rất khó để cho mọi người lời khuyên thiết thực, bởi vì mọi người đều phải thở. Nhưng những gì mọi người có thể làm là tránh những con đường đông đúc nhất có thể”,Giáo sư Nawrot khuyến cáo.“Các hạt ô nhiễm xuất hiện ở nồng độ rất cao bên cạnh những con đường đông đúc, nhưng chỉ cần tránh xa vài mét chúng có thể đã giảm xuống”.


 Những gì mọi người có thể làm là tránh những con đường đông đúc nhất có thể.

Trước đây đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí có thể gây ra tác hại toàn diện cho cơ thể con người: gây bệnh tim, phổi, tiểu đường, xương giòn, giảm trí thông minh, kích ứng da,… WHO gọi đây là “mối đe doạ báo động với sức khoẻ cộng đồng”, khi có tới 8,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí.

Cập nhật: 28/09/2019 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video