Nhờ ảnh vệ tinh chất lượng cao, các nhà khoa học phát hiện hồ dung nham sôi và bền vững, rộng 90-215m trên miệng núi lửa Michael.
Các chuyên gia tại tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh và Đại học London tìm ra hồ dung nham bền cực hiếm trên đỉnh núi lửa Michael, đảo Saunders, Fox News hôm 4/7 đưa tin. Hòn đảo này là lãnh thổ thuộc Anh, nằm ở phía nam Đại Tây Dương và là một trong những địa điểm xa xôi nhất hành tinh.
Núi lửa Michael trên đảo Saunders. (Ảnh: British Antarctic Survey).
Trên mặt đất có khoảng 1.500 núi lửa, nhưng chỉ một số ít có hồ dung nham sôi sục và bền vững ở miệng núi, theo tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh. Hồ dung nham trên đỉnh Michael là hồ thứ 8 được phát hiện.
Những năm 1990, sự bất thường địa nhiệt trong ảnh chụp vệ tinh độ phân giải thấp thôi thúc các nhà khoa học tìm hiểu kỹ hơn. Nhờ ảnh vệ tinh chất lượng cao trong giai đoạn 2003-2018, kết hợp với kỹ thuật xử lý tiên tiến, họ phát hiện hồ dung nham trên miệng núi lửa. Hồ rộng từ 90-215m, nóng khoảng 1.000 độ C.
Ảnh vệ tinh của núi Michael năm 2018 và bản đồ về vị trí đảo Saunders. (Ảnh: British Antarctic Survey).
"Chúng tôi rất phấn khích khi tìm ra đặc điểm địa chất đặc biệt như vậy trong lãnh thổ thuộc Anh. Việc đó giúp chúng tôi hiểu thêm về hoạt động núi lửa và những mối nguy hiểm trên hòn đảo xa xôi này, hiểu thêm về loại hồ dung nham hiếm gặp và cuối cùng, giúp phát triển các kỹ thuật để theo dõi núi lửa từ không gian", tiến sĩ Alex Burton-Johnson tại tổ chức Khảo sát Nam Cực Anh chia sẻ.
Dữ liệu vệ tinh vô cùng quý giá trong việc nghiên cứu núi lửa Michael. "Ngọn núi rất khó tiếp cận. Nếu không có ảnh vệ tinh chất lượng cao, chúng tôi sẽ gặp khó khăn lớn khi muốn tìm hiểu về hồ dung nham", Danielle Gray, chuyên gia tại Đại học London, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Hoạt động phun trào của núi lửa Michael bắt đầu được ghi chép từ đầu thế kỷ 19. Đợt phun trào gần đây nhất là từ tháng 8 đến tháng 10/2015. Ngoài ra, núi lửa cũng có một số hoạt động ngắt quãng vào tháng 9/2018.