Dung nham phun trào từ núi lửa ngầm Home Reef hóa rắn, trở thành hòn đảo mới có diện tích khoảng 24.000m2.
Theo Đài quan sát Trái đất thuộc NASA, một hòn đảo mới đã mọc lên phía tây nam Thái Bình Dương, trong khu vực có nhiều núi lửa ngầm, IFL Science hôm 22/9 đưa tin. Núi lửa ngầm Home Reef gần quần đảo Central Tonga phun trào ngày 10/9 và chỉ trong vòng 11 giờ, một khối đất - hình thành từ dung nham rỉ ra được nước biển làm nguội và hóa rắn - nổi lên.
Vệ tinh Landsat 9 chụp ảnh hòn đảo mới với cột hơi và tro bụi phun ra, nước biển xung quanh đổi màu, ngày 14/9. (Ảnh: NASA Earth Observatory)
Ngày 14/9, vệ tinh Landsast 9 của NASA chụp ảnh hòn đảo, lúc này có diện tích khoảng 4.000m2. Trong những ngày tiếp theo, dung nham tiếp tục phun trào và hòn đảo mới ngày càng lớn. Ngày 16/9, đảo có đường kính 170 m. Hai ngày sau, nó mở rộng thành 182m. Tính đến ngày 20/9, nó đã đạt diện tích 24.000m2.
Trong ảnh chụp của vệ tinh Landsat 9, luồng hơi và tro bụi lớn bốc ra từ núi lửa. Một vùng nước đổi màu phát triển xung quanh khối đất cho thấy sự hiện diện của nước biển siêu nóng, giàu tính axit, chứa đá núi lửa và lưu huỳnh.
Hòn đảo mới nằm ở phía tây nam đảo Late, phía đông bắc đảo Hunga Tonga-Hunga Ha'apai và phía tây bắc đảo Mo'unga'one. Khu vực này có đới hút chìm Tonga-Kermadec, nơi ba mảng kiến tạo đang chậm rãi đâm vào nhau. Hoạt động kiến tạo đã mang lại cho nơi đây một dãy núi dưới biển với mật độ núi lửa ngầm cao nhất thế giới.
Hòn đảo mới có thể không tồn tại lâu. Sự xói mòn do thời tiết, sóng và hải lưu có thể nhanh chóng làm đá núi lửa phân rã. Do đó, những hòn đảo mới dạng này thường biến mất nhanh chóng.
Tuy nhiên, một số đảo vẫn tồn tại được. Năm 2014, núi lửa ngầm ở cùng khu vực thuộc Thái Bình Dương phun trào và tạo ra đảo Hunga Tonga-Hunga Ha'apai. Dù non trẻ, hòn đảo vẫn có một hệ sinh thái phát triển với thảm thực vật có hoa màu hồng, chim nhàn nâu và cú lợn lưng xám, khiến các nhà khoa học kinh ngạc.