Mô hình tự động tuần hoàn khép kín, nước trong bể cá dùng cung cấp chất thải, dinh dưỡng cho rau, sau đó được lọc sạch cấp ngược lại cho cá.
Nhóm sinh viên năm thứ 4, Khoa tự động hóa, Học viện nông nghiệp Việt Nam thiết kế thành công và đưa mô hình kết hợp trồng rau thủy canh và nuôi cá tự động giới thiệu tại khu trưng bày "Tự hào sáng tạo Việt" thuộc Triển lãm quốc tế tự động hóa 2019. Đây là mô hình áp dụng công nghệ IoT để giám sát các thông số và điều khiển tự động, được 4 thành viên của nhóm nghiên cứu, thiết kế trong thời gian một năm.
Hệ thống gồm bể trồng cây, bể nuôi cá, hệ thống lọc nước và phần mềm giám sát tự động. Nước trong bể cá bao gồm chất thải, phân chứa amoniac, vi khuẩn nitrate hóa sẽ được lọc chuyển hóa sang nitrat, bơm lên bể trồng cây. Sau khi hấp thụ dinh dưỡng, cây trồng lọc sạch nước và cung cấp ngược trở lại cho cá. Khi đó cây có dinh dưỡng để phát triển, cá có nguồn nước sạch để sống mà không cần người tưới và lọc nước.
Mô hình kết hợp nuôi cá và trồng rau thủy canh. (Ảnh: NVCC).
Trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Văn Thành cho biết, mô hình này được thực hiện dựa trên cơ chế cộng sinh, tận dụng lợi ích của rau và cá nên không dùng đất, không phân bón, không cần tưới. Điểm sáng tạo trong mô hình là áp dụng công nghệ IoT để giám sát các thông số và điều khiển tự động.
"Chúng tôi đã tìm hiểu và nhờ sự giúp đỡ của thầy cô cùng các kỹ sư để tạo ra bộ cảm biến, đặt trong bể cá và vườn rau. Bộ cảm biến giúp cập nhật các thông số về nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan, độ ẩm. Người dùng chỉ cần kết nối bộ cảm biến với điện thoại. Nếu thông số vượt quá mức cho phép, máy sẽ báo về điện thoại người dùng. Việc theo dõi quá trình phát triển cây trồng và cá sẽ quan sát được từ xa", sinh viên Nguyễn Văn Thành cho biết.
Hiện nhóm đang tìm cách tối ưu hóa bằng việc sử dụng pin năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện vận hành mô hình. "Sau khi hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao cho những hộ gia đình và cả doanh nghiệp có nhu cầu muốn ứng dụng", Thành nói.