Báo cáo mới nhất của TRAFFIC (mạng lưới kiểm soát việc buôn bán các loài hoang dã) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho hay, nạn săn bắt tê giác đang gia tăng trên toàn thế giới.
Theo đó, tình trạng buôn bán gia tăng xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở châu Á và trở nên nghiêm trọng hơn khi hoạt động săn thú ngày càng tinh vi.
Báo cáo cũng đưa ra những lo ngại liên quan đến việc số lượng tê giác ít ỏi lại ngày càng giảm đi, cũng như tình trạng không ổn định của một số quần thể loài tê giác Sumatran và tê giác Gia va ở các nước Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
"Các quốc gia này cần gia tăng nỗ lực nhằm đánh giá tốt hơn hiện trạng của các quần thể tê giác của nước mình, tăng cường các nỗ lực thực thi pháp luật tại hiện trường - ngăn chặn sự xâm phạm hay thay đổi lãnh thổ sinh sống của tê giác… nhằm đảm bảo tăng thêm số tê giác Sumatran và Gia va ít ỏi còn lại", tiến sĩ Bibhab Kumar Talukdar, Trưởng Nhóm chuyên gia Tê giác châu Á IUCN/SSC nói.
Báo cáo cũng cho hay, từ năm 2006, 95% các vụ săn bắt tê giác là xảy ra ở Zimbabwe và Nam Phi.
Hiện, bản báo cáo đã được trình lên Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trước kỳ họp thứ 15 của Hội nghị các nước thành viên Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật có nguy cơ bị đe dọa, diễn ra vào tháng ba tới), trong đó ghi rõ sự suy giảm hiệu quả của việc thực thi pháp luật và sự gia tăng cường độ săn bắt động vật hoang dã ở châu Phi.
Hầu hết sừng tê giác bị đưa ra khỏi khu vực châu Phi được chuyển đến thị trường thuốc y học cổ truyền ở Đông Nam Á, Đông Á, đặc biệt ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, báo cáo cũng thể hiện mối lo ngại về tình trạng chỉ còn một quần thể tê giác Gia va duy nhất ở Việt Nam.
Bản báo cáo do Nhóm chuyên gia Tê giác của IUCN và TRAFFIC thực hiện với sự ủy quyền của CITES. Công tác thu thập số liệu và viết báo cáo do WWF và các đối tác tài trợ một phần./.