Một tổ chức bảo vệ môi trường tại Trung Đông vừa kêu gọi người dân ngừng thực hiện nghi lễ thanh tẩy trên sông Jordan vì mức độ ô nhiễm nước ở đây có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Các tín đồ tôn giáo tới sông Jordan hàng năm để thanh tẩy. Ảnh: greenprophet.com.
“Chúng tôi kêu gọi giới chức trong khu vực cấm người dân thực hiện nghi lễ rửa tội ở hạ nguồn sông Jordan cho tới khi chất lượng nước ở đó đạt tiêu chuẩn dành cho hoạt động du lịch”, AFP dẫn tuyên bố của Friends of the Earth Middle East (FoEME) - tổ chức do các nhà bảo vệ môi trường từ Jordan, Israel và Palestine sáng lập.
AFP cho hay, lời kêu gọi của FoEME được đưa ra sau khi các báo đưa tin Bộ Y tế Israel đề nghị Bộ Du lịch ngăn chặn người dân tắm hay thực hiện nghi lễ rửa tội dưới sông Jordan vì việc đó có thể gây tổn hại tới sức khỏe.
Sông Jordan trải dài từ hồ Galilee tới biển Chết với chiều dài 217 km. Các nhánh của nó đổ vào Israel, Jordan, Syria và khu Bờ Tây. Tín đồ Cơ đốc giáo tin rằng Chúa Jesus từng trải qua nghi thức thanh tẩy bằng nước ở dòng sông này cách đây khoảng 2.000 năm. Trong vài năm gần đây nước sông Jordan ngày càng bẩn do nước thải tăng lên còn nước sạch giảm dần. Ngày nay chiều rộng của nó chỉ còn vài mét.
Bất chấp tình trạng ô nhiễm nặng nề của sông Jordan, vài nghìn tín đồ Thiên Chúa giáo vẫn tới đây hàng năm để thực hiện nghi lễ thanh tẩy. Trong khi đó những cộng đồng dân cư người Israel, Jordan và Palestine dọc theo bờ sông – tổng cộng có khoảng 34.000 người – đổ rác xuống sông hàng ngày.
Thông báo của FoEME cho biết, do Israel, Syria và Jordan đều khai thác dòng chảy của sông Jordan nên nó mất tới 98% lượng nước sạch. Trong khi đó lượng nước thải không được xử lý, rác nông nghiệp, nước mặn và nước từ các ao cá liên tục tăng lên theo thời gian. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn, FoEME lo ngại dòng sông sẽ cạn kiệt vào năm 2011.
Jordan và Israel đều khẳng định địa điểm mà Chúa Jesus chịu phép rửa dưới sông Jordan khoảng 2.000 năm trước nằm trên lãnh thổ của họ. Vì thế cả hai nước đều khuyến khích xây dựng khách sạn và cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch và các tín đồ tôn giáo.