Hút thuốc thụ động - second-hand smoke - là một khái niệm không xa lạ gì với chúng ta nữa. Đó là khi bạn hoặc bất cứ ai hít phải khói thuốc từ một người khác, và các rủi ro về sức khỏe phải nhận cũng không khác gì so với việc hút thuốc trực tiếp cả.
Nhưng đã bao giờ bạn nghe thấy cụm từ "uống rượu bia thụ động" (second-hand drinking) chưa?
Không giống như thuốc lá, cụm từ "uống thụ động" không thể hiểu theo nghĩa đen. Nó không có nghĩa bia rượu bạn uống sẽ bằng cách nào đó xuất hiện trong cơ thể người khác, mà là việc bạn uống rượu bia gây hại cho người khác như thế nào.
Những năm gần đây, "uống thụ động" đang dần trở thành một thuật ngữ được công nhận, là một vấn đề gây lo ngại cho sức khỏe cộng đồng. Và mới đây, một nghiên cứu tại Mỹ đã quyết định so sánh tác hại của "uống thụ động" với "hút thụ động", rồi cho ra kết quả hết sức bất ngờ.
Cụ thể, các chuyên gia từ Viện sức khoẻ cộng đồng California và ĐH Dakota (Hoa Kỳ) đã theo dõi số liệu khảo sát từ năm 2015. Kết quả cho thấy, mỗi năm có 1:5 người Mỹ trưởng thành (tương đương hơn 53 triệu người) gặp tổn hại vì người khác uống rượu bia. "Tổn hại" ở đây bao gồm việc bị đe dọa, bị quấy rối, bạo lực, tai nạn giao thông, và cả các vấn đề liên quan đến tài chính gia đình.
Hệ quả từ việc người khác uống rượu chính là "uống rượu thụ động".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gánh nặng từ việc "uống thụ động" đã không được đối xử một cách công bằng so với các vấn đề khác. Độ tuổi được khảo sát chỉ tối đa là 25, trong đó 21% phụ nữ và 23% nam giới cho biết mình đã từng phải chịu hậu quả từ "uống thụ động".
Với nam giới, hậu quả thường đến từ người lạ - những người say xỉn đi ngoài đường, và tổn hại xảy đến với tài sản hoặc bị tấn công bạo lực. Còn phụ nữ, người khiến họ phải "uống thụ động" thường là thành viên trong gia đình (có người nghiện rượu), khiến tài chính bị ảnh hưởng và gây ra nhiều vấn đề khác trong gia đình.
"Rủi ro cho phụ nữ đa số đến từ đàn ông nghiện rượu trong gia đình, còn với đàn ông là những kẻ say xỉn bên ngoài xã hội" - báo cáo nghiên cứu cho biết.
Cũng theo nghiên cứu, kết quả của họ trùng khớp với một số nghiên cứu khác bên ngoài phạm vi nước Mỹ. Cụ thể, nghiên cứu dựa vào 2 bản khảo sát qua điện thoại trên 8750 người trưởng thành, cho thấy ngay cả những người có uống rượu - dù không nhiều – cũng có nguy cơ phải chịu hậu quả từ "uống thụ động".
Về cơ bản, đa số chúng ta hiểu được rằng rượu bia gây ra nhiều tổn hại thế nào đến sức khỏe, nhưng chủ yếu chỉ xét trên phương diện cá nhân. Với nghiên cứu này, chúng ta xác định được rằng hệ quả đối với người khác cũng là một vấn đề nghiêm trọng khi xét đến tác động của rượu bia.
Khi so sánh tác hại với bản thân và với người khác, rượu lại một lần nữa đứng trên đỉnh.
"Khi các chuyên gia so sánh tác động của các hợp chất kích thích khác nhau giữa người với người, rượu bia là thứ gây tác hại lớn nhất" - trích lời Sven Andréasson, bác sĩ Viện Karolinska tại Stockholm.
"Và khi so sánh tác hại với bản thân và với người khác, rượu lại một lần nữa đứng trên đỉnh, ngay cả khi so với thuốc lá, heroin, cocaine và các chất gây nghiện khác".
Năm 2015, CDC Hoa Kỳ công bố có 58 triệu người không hút thuốc tại Hoa Kỳ vẫn phải chịu đựng hệ quả xấu của thuốc lá, do hiệu ứng "hút thuốc thụ động". Và trong nghiên cứu mới, tỷ lệ người chịu ảnh hưởng từ "uống thụ động" cũng ở mức tương tự, thậm chí là nặng nề hơn.
Phải chăng, đây là lúc xét đến rượu bia một cách nghiêm túc hơn?
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Studies on Alcohol and Drugs.