Việc tích trữ quá nhiều loại thực phẩm trong cùng một ngăn tủ lạnh khiến cho việc làm lạnh bị cản trở dẫn đến thực phẩm nhanh bị hỏng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng.
Để lẫn lộn thực phẩm
Nhiều người cứ nghĩ cho thực phẩm vào tủ lạnh là yên tâm không bị hỏng. Thịt, cá, rau, củ để lẫn lộn. Thức ăn thừa cứ cho vào tủ lạnh là xong. Thậm chí nhiều người còn để ngày này qua ngày khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc, tiêu chảy.
Chị Vũ Thị Hoa (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ, tính vốn cẩn thận nên dịp lễ Tết, chị thường có thói quen mua rất nhiều thực phẩm về chất đầy trong tủ lạnh.
“Vừa qua nghe tin cơn bão Yagi sắp càn quét qua các tỉnh phía Bắc, giống như nhiều bà nội trợ khác, tôi cũng nhiều thực phẩm tích trữ từ thịt cá, rau củ, trứng sữa,… về chất đầy trong tủ lạnh”, chị Hoa nói.
Tuy nhiên, theo chị Hoa, hôm qua các thành viên trong gia đình chị có biểu hiện rối loạn tiêu hoá khi người thì bị đau quặn bụng, người thì bị đi ngoài… May sao chỉ bị nhẹ nên uống thuốc là hết triệu chứng.
Tham khảo ý kiến của của bác sĩ chị được biết nguyên nhân khiến gia đình chị bị đau bụng có thể là do sai lầm phổ biến không chỉ gia đình chị mà nhiều người khác cũng mắc phải là để trứng và sữa ở cánh tủ lạnh. Đóng mở cánh tủ khiến nhiệt độ ở cánh tủ thay đổi thường xuyên, không đủ điều kiện để bảo quản hai thực phẩm này.
Cánh tủ lạnh chỉ thích hợp để thực phẩm có thời hạn lâu dài và có khả năng chịu biến động nhiệt độ như các loại gia vị, đồ khô.
“Hoặc cũng có thể tôi đã để lẫn lộn thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã chế biến cũng tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn từ thịt, cá và rau củ chưa qua chế biến dễ lây nhiễm sang đồ ăn chín”, chị Hoa kể.
Để quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh khiến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, dễ gây ngộ độc.
Rã đông thực phẩm nhiều lần
Khác với chị Hoa, bác Hoàng Thị Nhưng (Núi Trúc, Hà Nội) lại có thói quen rã đông thực phẩm nhiều lần.
“Đi chợ về cô thường để nguyên cả tảng thịt to vào ngăn đông. Khi cần dùng, cô rã đông. Không dùng hết cô lại tiếp tục có vào tủ trữ đông lại”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây là cách làm hết sức nguy hiểm.
Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, cấp đông lại thực phẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn còn tồn tại phát triển mạnh. Nên chia thực phẩm thành nhiều phần phù hợp và sử dụng hết sau khi rã đông.
Trong trường hợp lỡ rã đông thừa, nên cho phần thừa vào hộp thực phẩm đậy kín, để riêng ra một khu vực và sử dụng càng sớm càng tốt. Thực phẩm đã được rã đông hoàn toàn, sau đó hâm nóng đến nhiệt độ phòng hoặc đã để ngoài tủ lạnh hơn hai giờ không nên sử dụng.
Thực phẩm rã và cấp đông nhiều lần có thể mất đi kết cấu, hương vị, hình thức và chất lượng, giảm hương vị.
Bảo quản trong tủ lạnh không đúng cách, dễ ngộ độc
Tủ lạnh là công cụ hữu hiệu để bảo quản, dự trữ thực phẩm đặc biệt trong mùa bão lũ. Tuy nhiên, không phải cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Trương Thị Minh Hiền - Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cho rằng, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách trong tủ lạnh sẽ làm giảm đi chất dinh dưỡng và có thể sinh ra nhiều chất độc gây hại sức khỏe.
Một số lưu ý khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh: không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh; vệ sinh tủ lạnh định kỳ 3-6 tháng/lần; sắp xếp hợp lý từng nhóm thực phẩm, tránh lây nhiễm chéo.
Đặc biệt, người dân không để thực phẩm quá lâu, đặt nhiệt độ phù hợp cho từng loại thực phẩm; phân loại, đóng gói thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo thêm nhiệt độ lý tưởng để bảo quản thực phẩm thường gặp như sau: Thịt (dưới -12 độ C), thịt rã đông (0 đến 4 độ C); cá và hải sản (đông lạnh -18 độ C, rã đông 0 đến 4 độ C); rau củ (0 đến 4 độ C); sữa, thực phẩm làm từ sữa (2 đến 4 độ C); trứng (3 đến 5 độ C).
Các chyên gia khuyến cáo, nhiễm khuẩn tiêu hóa ít ảnh hưởng đến người trưởng thành, song nguy cơ biến chứng nghiêm trọng ở người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ và người cao tuổi.
Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm khuẩn tiêu hóa có thể dẫn đến nhiều vấn đề như hội chứng ruột kích thích, chảy máu đường ruột gây nhiễm trùng nặng, bệnh viêm ruột, viêm loét đại trực tràng, viêm dạ dày mạn tính...
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn thức ăn như chán ăn, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng này thường khởi phát trong vòng 24h sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, đôi khi có thể xuất hiện muộn hơn sau vài ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh.