Trong hơn 18 tháng xảy ra đại dịch, các nhà nghiên cứu đã không ngừng thu thập những kiến thức cũng như những tác động/ảnh hưởng quan trọng của Covid-19 đối với cơ thể và bộ não con người. Những phát hiện này đã và đang làm dấy lên lo ngại về những hậu quả lâu dài mà virus corona có thể gây ra, đối với các quá trình sinh học cũng như sự lão hóa tự nhiên.
Jessica Bernard, một nhà khoa học thần kinh nhận thức, cho biết các nghiên cứu trước đây của bà chủ yếu tập trung tìm hiểu những thay đổi của não liên quan đến quá trình lão hóa, nhằm mục đích xem xét khả năng suy nghĩ và vận động của con người thay đổi như thế nào - đặc biệt là ở độ tuổi trung niên trở lên.
Bà cho biết: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ trong nhiều tháng hoặc lâu hơn từ khi bị nhiễm virus". Nhóm nghiên cứu của của bà cũng đã khám phá cách mà nó thể ảnh hưởng đến quá trình lão hóa tự nhiên.
Người mắc Covid-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không mắc bệnh.
Não phản ứng như thế nào với Covid-19?
Một nghiên cứu sơ bộ được thực hiện vào tháng 8 năm 2021 với quy mô cực lớn, nhằm điều tra những thay đổi diễn ra ở não những người từng nhiễm Covid-19, nghiên cứu này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong cộng đồng khoa học thần kinh.
Để thực hiện được nghiên cứu này, các nhà khoa học đã dựa vào một cơ sở dữ liệu có tên là UK Biobank - nó chứa hơn 45.000 dữ liệu hình ảnh não bộ của người dân Vương quốc Anh từ năm 2014. Đây là những dữ liệu cực kỳ quan trọng trong việc so sánh hình ảnh não bộ của những người nhiễm covid trước và sau đại dịch.
Nhóm nghiên cứu đã xác định những người đã mắc Covid-19 và tiến hành quét não bổ sung cho họ. Sau đó sử dụng những dữ liệu mới này so sánh với hình ảnh não bộ trước đó của họ (trước lúc xảy ra đại dịch). Các nhà khoa học tiến hành so sánh những người đã trải qua Covid-19 với những người chưa trải qua dựa trên những đối chiếu về tuổi tác, giới tính, ngày xét nghiệm và địa điểm nghiên cứu, cũng như các yếu tố có thể gây ra bệnh tật…
Có sự thay đổi về chất xám ở người nhiễm Covid-19.
Nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về chất xám trong não - giữa những người đã bị nhiễm Covid-19 và những người không bị nhiễm. Cụ thể, độ dày của mô chất xám ở các vùng não (hay còn được gọi là thùy trán và thùy thái dương) đã giảm ở nhóm nhiễm Covid-19, trong khi các mô hình này vẫn nguyên vẹn ở nhóm không trải qua Covid-19.
Thông thường, khối lượng hoặc độ dày chất xám cũng sẽ bị giảm khi con người già đi, nhưng những thay đổi về chất xám ở người nhiễm Covid-19 lớn hơn nhiều so với quá trình lão hóa thông thường. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những người đã bị nhiễm Covid-19 bị mất/giảm khối lượng não ngay cả khi bệnh chưa đến mức phải nhập viện.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng những người đã mắc phải Covid-19 xử lý thông tin chậm hơn so với những người không mắc bệnh.
Những thay đổi trong khối lượng não có ý nghĩa như thế nào?
Vào thời kỳ đầu của đại dịch, một trong những tình trạng phổ biến nhất từ những người bị nhiễm Covid-19 là mất vị giác và khứu giác (một cấu trúc gần phía trước não bộ truyền tín hiệu về mùi từ mũi đến các vùng não khác).
Người nhiễm Covid-19 bị mất/giảm khối lượng não ngay cả khi bệnh chưa đến mức phải nhập viện.
Điều đáng chú ý đó là các vùng liên quan đến vị giác và khứu giác đều nằm trong những khu vực bị Covid-19 tác động. Tuy nhiên, ngoài Covid-19 thì những người mắc Alzheimer cũng có nguy cơ mắc bị giảm khứu giác.
Do đó, còn khá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về tác động của Covid-19 đến khả năng suy giảm chức năng vị giác và khứu giác. Tuy nhiên, không loại trừ những thay đổi của não liên do Covid-19 gây ra, điều này gián tiếp gây ra chứng suy giảm trí nhớ.
Những định hướng tiếp theo?
Những phát hiện mới này phần nào giúp các nhà khoa học khái quát được tầm quan trọng của nghiên cứu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng chưa được giải đáp như: Những thay đổi của não bộ sau Covid-19 có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình và tốc độ lão hóa tự nhiên? Mức độ phục hồi của não bộ sau khi nhiễm virus?
Đây là những lĩnh vực nghiên cứu tích cực và cởi mở, tuy nhiên, để trả lời được những câu hỏi trên buộc các nhà khoa học phải xử lý và làm sáng tỏ được toàn bộ quá trình lão hóa sinh học cũng như những yếu tố tác động đến quá trình chuyển đổi của nó. Vì khi tuổi thọ tăng lên sẽ ngày càng có nhiều người trở nên già đi. Ngoài mục tiêu là sống lâu và khỏe mạnh thì chúng ta còn hướng đến sự phát triển bên vững, đặc biệt là trong bối cảnh của Covid-19, nó sẽ giúp chúng ta hiểu được mức độ mà não có thể phục hồi sau khi bị bệnh.