Những động vật cách ly đồng loại mắc bệnh truyền nhiễm

Ong mật, tinh tinh, ếch trâu Mỹ hay tôm hùm gai Caribe thường chủ động tránh xa đồng loài nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.

Các động vật cách ly với đồng loại vì bệnh truyền nhiễm

Người dân ở các nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang chật vật tìm cách tránh tiếp xúc với người khác và ở trong nhà. Cách ly xã hội (social distancing) không phải khái niệm mới trong thế giới tự nhiên, nơi bệnh truyền nhiễm rất phổ biến. Trên thực tế, một số loài động vật giữ khoảng cách với đồng loại trong cộng đồng của chúng nếu phát hiện mầm bệnh ở cá thể đó.

Cách ly xã hội là một thách thức bởi cá thể nhiễm bệnh không phải lúc nào cũng dễ phát hiện, theo Joseph Kiesecker, trưởng nhóm nghiên cứu của tổ chức The Nature Conservancy. Tuy nhiên, với giác quan nhạy bén, nhiều loài động vật có thể phát hiện một số bệnh truyền nhiễm, đôi khi trước cả lúc xuất hiện triệu chứng dễ nhận biết và điều chỉnh hành vi để tránh lây bệnh.

Ong mật

Các bệnh do vi khuẩn như bệnh thối ấu trùng châu Mỹ thường gây ảnh hưởng nặng nề cho các đàn ong mật, theo Alison McAfee, nghiên cứu sinh hệ sau tiến sĩ ở khoa Côn trùng học và Mầm bệnh cây trồng ở Đại học Bắc Carolina, Mỹ. Ấu trùng nhiễm bệnh phát ra mùi hóa học mà những con ong trưởng thành có thể đánh hơi như hỗn hợp axit oleic và β-ocimene, một loại pheromone ở ong. Sau khi xác định cá thể mang mầm bệnh, ong thợ thường ném chúng ra khỏi tổ.

Tinh tinh


Tinh tinh bại liệt bị các thành viên khác trong đàn cô lập. (Ảnh: National Geographic).

Năm 1966, trong khi nghiên cứu tinh tinh ở vườn quốc gia Gombe Stream, Tanzania, nhà linh trưởng học Jane Goodall quan sát một con tinh tinh tên McGregor mắc bệnh bại liệt do virus có độ lây nhiễm cao gây ra. Nó bị đồng loại tấn công và cô lập. Trong một tình huống, con tinh tinh bị liệt một phần tới gần những con tinh tinh khác đang chải lông cây. Nó vươn tay chào nhưng các thành viên trong đàn mau chóng bỏ đi mà không hề ngoái lại. "Trong hai phút, tinh tinh McGregor ngồi bất động nhìn chằm chằm sau lưng chúng", Goodall kể lại.

Goodall cũng ghi nhận một số trường hợp tinh tinh bị bệnh bại liệt trong nghiên cứu. Bà ghi nhận vài cá thể nhiễm bệnh được chào đón trở lại đàn. Goodall lý giải giống như con người, tinh tinh là sinh vật bị ảnh hưởng bởi hình thức. Sự kỳ thị ban đầu đối với tinh tinh bại liệt có thể đến từ nỗi sợ hãi đối với hình hài biến dạng của chúng, một phần trong chiến lược nhằm tránh lây bệnh.

Ếch trâu Mỹ

Trước khi Kiesecker bắt đầu nghiên cứu nòng nọc ếch trâu Mỹ vào cuối thập niên 1990, các mô hình dự đoán sự lây lan của bệnh dịch trong một quần thể động vật hoang dã cho rằng sự tiếp xúc với cá thể nhiễm bệnh mang tính ngẫu nhiên. Trong các thí nghiệm, Kiesecker nhận thấy nòng nọc không chỉ có khả năng phát hiện bệnh nhiễm nấm nguy hiểm ở những con nòng nọc khác mà các cá thể khỏe mạnh còn chủ động tránh tiếp xúc với đồng loại bị ốm. Tương tự ong mật, nòng nọc dựa vào tín hiệu hóa học để xác định con bị ốm.

Tôm hùm gai Caribe


Tôm hùm chủ động tránh xa cá thể bị ốm trước thời gian lây bệnh. (Ảnh: Wikipedia).

Tôm hùm gai Caribe cũng xua đuổi cá thể nhiễm bệnh trong quần thể trước khi bản thân chúng bị lây. Thời gian để những con tôm hùm mang virus Panulirus argus lây sang đồng loại là khoảng 8 tuần sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tôm hùm khỏe mạnh thường tránh xa trong vòng 4 tuần sau khi đồng loại của chúng nhiễm virus nhờ khả năng đánh hơi hợp chất hóa học phát ra từ con bị ốm

Cập nhật: 28/03/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video