navigation

Ô nhiễm khiến hàng triệu người thiệt mạng, chiếm 1/6 số ca tử vong trên toàn thế giới

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số người thiệt mạng liên quan đến ô nhiễm không khí, hóa chất và nguồn nước chiếm 1/6 trường hợp tử vong trên toàn cầu vào năm 2019.

Theo Ủy ban Ô nhiễm và sức khỏe tạp chí khoa học The Lancet, ô nhiễm là nguyên nhân gây ra 9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019 và con số này không thay đổi kể từ năm 2015.

Hơn 90% số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Và hầu hết các quốc gia đã làm rất ít để đối phó với vấn đề sức khỏe cộng đồng "to lớn" này.


(Ảnh: AP)

Báo cáo được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health đã cảnh báo, ô nhiễm là yếu tố môi trường có nguy cơ gây bệnh tật và chết sớm lớn nhất thế giới, và biến đổi khí hậu và các loài động vật hoang dã mất mát dần có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Các nhà nghiên cứu cho biết, hành động để giải quyết một vấn đề có thể giúp đối phó với các cuộc khủng hoảng khác.

Việc chuyển đổi nhanh chóng khỏi tất cả các nhiên liệu hóa thạch, vốn phát ra các chất ô nhiễm như hạt vật chất và oxit nitơ cũng như khí thải carbon khi đốt cháy để làm năng lượng hoạt động của phương tiện giao thông, lò hơi hoặc nhà máy điện, sang năng lượng tái tạo sạch sẽ giúp giải quyết ô nhiễm không khí cũng như làm chậm quá trình này.

Các chuyên gia đã phát hiện ra sự sụt giảm về số người tử vong do ô nhiễm liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực như nước không sạch, thiếu vệ sinh và ô nhiễm không khí hộ gia đình do đốt các nhiên liệu như củi để nấu ăn và sưởi ấm.

Tuy nhiên, số người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời và các hóa chất độc hại như nhiễm độc chì lại tăng lên.

Có hơn 6,6 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí cả trong nhà và ngoài trời và con số này đang tăng lên, báo cáo cho biết, trong khi chì và các hóa chất khác là nguyên nhân gây ra 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm.

Richard Fuller, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Việc ngăn ngừa ô nhiễm hầu như không được chú ý trong chương trình nghị sự phát triển quốc tế. Sự chú ý và tài trợ chỉ tăng ở mức tối thiểu kể từ năm 2015, bất chấp sự gia tăng đáng lo ngại tình trạng ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân".

Cập nhật: 20/05/2022 VTV News