Công trình cổ gồm sân và hai căn phòng đục đẽo từ đá, lưu giữ một số vật dụng giúp hé lộ cuộc sống tại Jerusalem trước năm 70.
Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) hôm 19/5 thông báo, phát hiện công trình ngầm cổ xưa bên dưới tòa nhà Beit Strauss, gần Bức tường than khóc (Bức tường phía tây) ở Jerusalem. Công trình gồm sân và hai căn phòng, chia thành các tầng và nối với nhau bằng cầu thang. Nó đã bị bịt lại khoảng 1.400 năm trước, trong thời kỳ Đông La Mã.
Tiến sĩ Barak Monnickendam-Givon đứng dưới tòa nhà Beit Strauss, Jerusalem. (Ảnh: IAA).
Tại lối vào của công trình đá, các chuyên gia phát hiện các vết lõm dùng để lắp bản lề và then cửa. Trên tường có một số hốc nhỏ hình tam giác để đặt đèn dầu và các hốc dài làm giá đựng đồ. Nhóm chuyên gia cũng tìm thấy một số vật dụng như nồi nấu ăn bằng đất sét, cốc đá đặc trưng của thời kỳ Đền thờ thứ hai và mảnh vỡ của qalal. Qalal là loại chậu đá lớn dùng để đựng nước, được cho là liên quan đến các nghi thức thanh tẩy của người Do Thái.
Dựa vào những gì khai quật, các chuyên gia cho rằng công trình ngầm từng được sử dụng hàng ngày. Nó có thể giúp hé lộ về cuộc sống tại Jerusalem trước khi Đền thờ thứ hai bị phá hủy vào năm 70.
"Đây là một phát hiện độc đáo. Lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy một công trình ngầm ngay sát với Bức tường than khóc", hai chuyên gia Barak Monnickendam-Givon và Tehila Sadiel tại IAA cho biết.
"2.000 năm trước ở Jerusalem, việc sử dụng đá để xây dựng là bình thường, cũng giống như ngày nay. Vấn đề là tại sao người xưa lại đầu tư công sức và tài nguyên vào việc đào những căn phòng như vậy trong nền đá cứng?", Monnickendam-Givon và Sadiel đặt câu hỏi. Nhóm chuyên gia đang tiếp tục khai quật và tìm hiểu mục đích sử dụng của công trình này.