Phát hiện dấu chân sớm nhất của động vật có vú trên bờ biển

Các nhà khoa học tìm thấy đường mòn chứa loạt dấu chân thú tiền sử 58 triệu năm tuổi tại hệ tầng Hanna ở bang Wyoming, miền tây nước Mỹ.

Trong báo cáo mới trên tạp chí Science Reports, các chuyên gia từ Đại học Utah của Mỹ cho biết những dấu vết hóa thạch thuộc về hai loài động vật có vú khác nhau, trong đó có một loài đã được xác định thuộc chi Coryphodon với bàn chân 5 ngón tương đối lớn, có thể so sánh với kích thước chân gấu nâu ngày nay, và một loài chưa được được xác định với bàn chân nhỏ hơn, có 4 ngón.


Mô phỏng gia đình Coryphodon kiếm ăn trên bờ biển. (Ảnh: Anton Wroblewski).

Phân tích chi tiết cho thấy các dấu chân có niên đại vào cuối thế Cổ Tân cách đây khoảng 58 triệu năm, biến chúng trở thành bằng chứng sớm nhất về sự hiện diện của động vật có vú trên bờ biển, sớm hơn ít nhất 9,4 triệu năm so với ghi nhận trước đây.

Dấu chân 4 ngón được tìm thấy ở hệ tầng Hanna không khớp với bất kỳ loài thú tiền sử nào đã được biết đến trong thế Cổ Tân, nhưng chúng có nhiều điểm tương đồng với bộ Guốc chẵn Artiodactylssiêu họ Tapiroidea. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy hai nhóm này từng tồn tại trong thế Cổ Tân.


Các dấu chân được tìm thấy trên một con đường mòn ở hệ tầng Hanna. (Ảnh: Anton Wroblewski).

"Các dấu chân có thể ghi lại sự tương tác giữa sinh vật cổ đại và môi trường sống của chúng, cung cấp những thông tin mà chúng ta không thể thấy ở xương hóa thạch. Trong trường hợp này, chúng tiết lộ động vật có vú lớn đã thường xuyên tụ tập trên bờ biển khoảng 8 triệu năm trước khi khủng long tuyệt chủng", Tiến sĩ Bonnie Gulas-Wroblewski từ Viện Tài nguyên Thiên nhiên Texas A&M, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.

Các loài thú lớn ngày nay tập trung gần môi trường biển vì nhiều lý do, bao gồm lẩn tránh động vật ăn thịt và côn trùng cắn, kiếm thức ăn, hay tiếp cận các nguồn muối có thể đã bị hạn chế trong các khu rừng nhiệt đới ở Bắc Mỹ trong thế Cổ Tân. Nhóm nghiên cứu suy đoán rằng các loài động vật có vú tiền sử cũng dành thời gian trên bờ biển vì lý do tương tự.

Phát hiện mới một lần nữa cho thấy dấu chân hóa thạch rất có giá trị trong việc nghiên cứu các hệ sinh thái cổ đại, nhưng chúng dễ bị bỏ sót. "Vẫn còn nhiều thông tin quan trọng ẩn trong các tảng đá đang chờ ai đó phát hiện và đưa ra ánh sáng", Wroblewski nhấn mạnh.

Cập nhật: 17/05/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video