Phát hiện đèn sấy móng tay bằng tia cực tím có thể gây tổn thương và đột biến gene

Đây là thiết bị có thể tìm thấy ở gần như tất cả các tiệm làm móng trên khắp thế giới.

Kể từ khi xuất hiện trên thị trường vào khoảng năm 2010, sơn gel đã trở thành một mặt hàng chủ lực trong các tiệm làm móng trên khắp thế giới. Khá dễ hiểu bởi so với sơn móng tay truyền thống, các biến thể gel có khả năng chống hư hại và chống nhòe tốt hơn, đồng thời giữ được độ sáng bóng cho đến khi người dùng loại bỏ lớp sơn bóng khỏi móng tay.

Quan trọng hơn hết, nếu là người thiếu kiên nhẫn, khách hàng không cần đợi một giờ hoặc lâu hơn để sơn móng gel khô. Bởi thay vì đợi sơn gel khô tự nhiên, họ có thể đặt tay dưới đèn UV để kích hoạt các hóa chất bên trong gel, khiến sơn cứng lại nhanh hơn.

Thiết bị phổ biến trong các tiệm làm móng này thường sử dụng một phổ ánh sáng cực tím cụ thể (340-395 nanomet). Các nghiên cứu trước đây từng xác định rằng quang phổ UV (280-400 nanomet) được sử dụng trong giường tắm nắng UV có thể gây ung thư, nhưng quang phổ được sử dụng trong máy sấy móng tay trước đây chưa được chú ý và nghiên cứu kỹ lưỡng.


Thiết bị làm khô sơn gel bằng UV đã phổ biến trên toàn cầu - (Ảnh: Internet).

Tuy nhiên mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học California San Diego đã quyết định nghiên cứu các thiết bị này, sau khi đọc báo cáo về trường hợp một thí sinh của cuộc thi sắc đẹp đã được chẩn đoán mắc một dạng ung thư da hiếm gặp.

Sử dụng các kết hợp khác nhau giữa tế bào người và chuột, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chỉ cần một phiên sử dụng kéo dài 20 phút với máy sấy sơn móng tay bằng tia cực tím đã dẫn đến việc 30% tế bào trong đĩa nuôi cấy bị chết. Ba phiên sử dụng 20 phút liên tiếp khiến 65% đến 70% các tế bào tiếp xúc chết đi. Trong số các tế bào còn lại, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về tổn thương ty thể và DNA, bên cạnh các đột biến đã thấy ở bệnh nhân ung thư da.

Về tổng thể, tế bào chết, tổn thương và đột biến DNA đã được quan sát thấy trong cả hai trường hợp, với sự gia tăng của các phân tử loại oxy phản ứng – vốn được biết tới là gây ra tổn thương và đột biến DNA – và rối loạn chức năng ty thể trong tế bào. Phân tích bộ gene cho thấy mức độ đột biến soma cao hơn trong các tế bào được chiếu xạ, một kiểu đột biến phổ biến ở bệnh nhân u ác tính.


Maria Zhivagui, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, đang chuẩn bị tế bào người trong đĩa nuôi cấy để cho tiếp xúc với thiết bị sấy móng tay bằng tia UV - (Ảnh: Internet)

“Kết quả thí nghiệm của chúng tôi và bằng chứng trước đó cho thấy rằng bức xạ phát ra từ máy sấy sơn móng tay UV có thể gây ung thư tay và nó có thể làm tăng nguy cơ ung thư da khởi phát sớm”, các nhà nghiên cứu viết trong một báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications.

Họ cũng cảnh báo rằng cần có một nghiên cứu dịch tễ học dài hơn trước khi có thể kết luận một cách thuyết phục rằng việc sử dụng các thiết bị làm khô bằng tia cực tím dẫn đến tăng nguy cơ ung thư da, đồng thời cho biết thêm “có khả năng những nghiên cứu như vậy sẽ mất ít nhất một thập kỷ để hoàn thành và sau đó mới được cung cấp thông tin cho công chúng."

Nghiên cứu mới có thể được xem như một lời khuyên về việc tránh dùng máy sấy UV, nhưng đáng tiếc rằng thực tế lại không đơn giản như vậy. Làm móng bằng gel đã trở thành một tiêu chuẩn trong ngành. Bởi một lý do đơn giản là đối với nhiều người, lớp sơn móng tay thông thường sẽ bắt đầu bong tróc sau một ngày hoặc vài ngày, nên việc làm móng tay kiểu truyền thống thường không xứng đáng với thời gian, tiền bạc hoặc công sức bỏ ra.


Rủi ro có xứng đáng với phần thưởng không? Điều đó tùy thuộc vào mỗi người - (Ảnh: Internet).

Dẫu vậy, dữ liệu trên cùng một số báo cáo trước đây về bệnh ung thư ở những người thường xuyên làm móng gel, đã vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn về một quy trình thẩm mỹ thuần túy mang lại rủi ro hơn những gì mọi người thường nghĩ. Nhưng việc làm móng gel mỗi năm một lần có thực sự đáng lo ngại, hay chỉ những người thực hiện việc này một cách thường xuyên mới nên lo lắng?

Cần những nghiên cứu sâu hơn để xác định nguy cơ ung thư cũng như ảnh hưởng từ tần suất sử dụng. Trên thị trường tồn tại nhiều lựa chọn thay thế cho quy trình thẩm mỹ này, có lẽ một số người tiêu dùng sẽ quyết định thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ.

Mặc dù các sản phẩm tiêu dùng khác cũng sử dụng ánh sáng tia cực tím trong cùng một quang phổ – bao gồm cả công cụ được sử dụng để chữa răng và một số phương pháp điều trị tẩy lông – các nhà nghiên cứu lưu ý rằng việc sử dụng thường xuyên, bên cạnh việc tia cực tím trong máy làm móng chỉ có duy nhất tác dụng làm đẹp, khiến chúng hoàn toàn khác biệt.

Cập nhật: 26/01/2023 TTVH
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video