Thực hư cách cấp cứu đột quỵ bằng châm kim đầu ngón tay

Thời gian qua, đặc biệt trong những ngày miền Bắc rét đậm với tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng cao, mạng xã hội lan truyền thông tin về một phương pháp cấp cứu được cho là có thể cứu người với hiệu quả 100%. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính khoa học của phương pháp này.

Phương pháp cấp cứu đơn giản mà hiệu quả?

Theo đó, khi gặp bệnh nhân đột quỵ, một tài khoản chia sẻ trên trang cá nhân của mình cho rằng chúng ta nên thực hiện các bước sau:

  • Hơ kim trên lửa để khử trùng, dùng nó chích 10 đầu ngón tay người bệnh.
  • Không cần các huyệt cụ thể, chỉ cần chích cách các móng tay 1 mm.
  • Chích đến khi máu chảy ra.
  • Nếu máu không chảy ra được, dùng ngón tay để nặn.
  • Khi tất cả ngón tay đều đã có máu chảy ra, chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh.
  • Nếu nạn nhân bị méo miệng, chúng ta cần kéo 2 tai nạn nhân cho đến khi chúng đỏ lên.
  • Sau đó, chích vào dái tai nạn nhân đến khi mỗi dái tai chảy ra 2 giọt máu. Sau vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh.

"Chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường không có một triệu chứng bất thường nào nữa thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện. Vì nếu nạn nhân bị vội vàng chở đi ngay đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, khi xe chạy bị xóc, sẽ làm cho các mạch máu não của bệnh nhân vỡ tung ra", người này kết luận.

Đáng chú ý, bài viết trên thu hút khoảng 100 nghìn lượt chia sẻ với đa phần phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng. Nội dung bài viết cho hay phương pháp này được học từ một bác sĩ người nước ngoài. Bản thân nhân vật cũng khẳng định mình có kinh nghiệm thực tế và đảm bảo phương pháp này hiệu quả 100% thông qua câu chuyện của mình.

Không có cơ sở khoa học và nguy hiểm cho sức khỏe

Trao đổi với PV về thông tin trên, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Ninh, Trưởng khoa Đột quỵ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Hà Nội), khẳng định phương pháp này không có hiệu quả với bệnh nhân đột quỵ. Đây là phương pháp chữa ngất, hôn mê..., của y học cổ truyền có tên châm (chích) nặn máu huyệt Thập Tuyên.

"Việc dùng kim châm vào đầu ngón tay mang lại cảm giác rất đau, từ đó khiến những trường hợp ngất không do tổn thương nào tỉnh lại. Tuy nhiên, những bệnh nhân hôn mê do đột quỵ sẽ không thể hồi tỉnh bằng phương pháp này. Các trường hợp hồi tỉnh trong bài viết, nếu đúng sự thật, có thể chỉ bị đột quỵ thoáng qua (T.I.A), không làm gì cũng sẽ hết", TS Ninh nói.


Bệnh nhân đột quỵ cần nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, tránh trì hoãn hoặc áp dụng các phương pháp truyền miệng gây khó khăn trong điều trị. (Ảnh: HSFC).

Theo vị chuyên gia này, phương pháp trên chưa có cơ sở khoa học và không đem lại hiệu quả, thậm chí gây nguy hiểm với những người tăng huyết áp khi cảm giác quá đau sẽ khiến huyết áp cao hơn. Do đó, chúng ta không nên thực hiện biện pháp cấp cứu này.

Đột quỵ là dạng cấp cứu nội khoa, vì vậy, người thực hiện cần có thái độ xử lý đúng để hạn chế di chứng. Một số dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh nhân đột quỵ là nửa người đột ngột tê bì (tay, chân cùng bên), rối loạn cảm giác, liệt nhẹ, méo, tê ở miệng cùng bên, uống hay súc miệng bị chảy nước. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ có thể kèm triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đặc biệt với người cao huyết áp.

Thông thường, bệnh có xu hướng diễn biến nặng dần. Những bệnh nhân nặng có thể ngã, liệt nửa người rõ và đi vào hôn mê.

TS Ninh khuyến cáo người dân khi phát hiện người xung quanh có dấu hiệu đột quỵ cần tránh để bệnh nhân di chuyển nhiều, dù còn tỉnh và đi lại được. Đồng thời, chúng ta cần kiểm tra huyết áp, gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể.

"Nếu bệnh nhân bị xuất huyết não, việc được cấp cứu sớm sẽ hạn chế tình trạng xuất huyết. Trong trường hợp nhồi máu não, bệnh nhân được cấp cứu trong thời gian vàng dưới 4-5 giờ sẽ giúp các bác sĩ điều trị tiêu huyết khối hoặc lấy cục máu đông hiệu quả", TS Ninh cho biết.

Trên thực tế, nhiều người đột quỵ vào ban đêm, ngại đến bệnh viện nên đợi tới sáng hoặc ban đầu thấy nhẹ, tự dùng các phương pháp truyền miệng khiến bệnh nặng lên rồi mới đi khám. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều và để lại nhiều di chứng nặng nề dù điều trị thành công.

Cập nhật: 18/01/2021 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video