Top 10 địa điểm kỳ dị thách thức khả năng lý giải của các nhà khoa học

Ngày nay, sự tồn tại của những địa danh sau vẫn là một bí ẩn khiến giới khoa học phải đau đầu.

1. Dòng sông đun sôi mọi thứ


Dòng sông bốc hơi mù mịt vì nhiệt độ quá cao.

Con sông Shanay Timpishka dài đến 4 dặm và nằm sâu trong rừng rậm Amazon thuộc Peru, mang đặc điểm kỳ lạ mà không con sông nào trên thế giới có được, đó là nhiệt độ lên tới 91 độ C. Độ nóng khiến nó trở thành “dòng sông tử thần”, bất cứ con vật nào vô tình rơi vào đều bị luộc chín. Các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân nhưng vẫn chưa có kết quả. Thông thường, những nguồn nước có nhiệt độ cao đều nằm gần núi lửa, nhưng Shanay-Timpishka thì khác, ngọn núi lửa gần nhất cách đó khoảng 700 km.

Một giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra là nhiệt độ từ các vết nứt ngầm bên dưới đã biến dòng sông thành một hệ thống địa nhiệt đặc biệt và khó hiểu.

2. Hang động chứa khí lưu huỳnh


Loài sinh vật kỳ lạ sống nhờ bọt khí lưu huỳnh.

Một nhóm công nhân đã phát hiện ra một hang động Movile khi tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy điện ở đông nam Romania. Hang động này có bầu không khí vô cùng độc hại, hàm lượng CO2 cao gấp 100 lần trên mặt đất và chứa đầy khí H2S. Sâu bên trong hang có hồ nước lưu huỳnh bốc lên nồng nặc mùi trứng thối. Theo các nhà khoa học, hang động này bị cô lập và cách ly với ánh sáng mặt trời trong 5,5 triệu năm. Điểm đặc biệt nhất là có một hệ sinh thái tồn tại trong đó qua nhiều năm. Có tất cả 33 loài được phát hiện tại đây, tồn tại nhờ nhận chất dinh dưỡng từ một loại bọt khí hình thành trên bề mặt các viên đá.

3. Giếng nước làm hóa đá đồ vật


Gấu bông được treo dưới dòng nước dần hình thành lớp khoáng bao quanh.

Mọi thứ bạn cho vào nước trong giếng đều sẽ biến thành đá một cách lạ lùng. Giếng "thần kỳ" tưởng chỉ có trong truyện cổ tích lại xuất hiện tại Knaresborough, phía bắc Yorkshire (Anh). Giếng này là nơi nhận nước chảy xuống từ mỏm đá trông như hình đầu lâu đang cười. Quá trình hóa đá diễn ra trong khoảng 3 đến 5 tháng. Tất cả mọi thứ từ gấu bông đến chiếc xe đạp ngâm trong giếng đều biến thành tác phẩm điêu khắc.

Người dân địa phương tin rằng chiếc giếng kỳ quái này bị nguyền rủa bởi một phù thủy. Còn các nhà khoa học giải thích, nước trong giếng chứa hàm lượng khoáng cao gấp nhiều lần bình thường, tạo ra lớp vỏ khoáng đặc biệt cho mọi vật thể tiếp xúc. Điều này tương tự như cách tạo thạch nhũ trong hang động.

4. Hồ phóng xạ chết người


Hồ phóng xạ có thể giết người trong 1 tiếng.

Hồ Karachay (Nga) được gọi là "hồ chết" bởi nồng độ phóng xạ cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nó từng là dấu tích của một nhà máy hạt nhân. Một người bình thường chỉ cần đứng gần hồ Karachay trong một giờ là có thể tử vong. Năm 1957, vụ nổ tại nhà máy hạt nhân này đã phát tán phóng xạ ra một khu vực rộng hơn 23.000 km vuông xung quanh. Đến năm 1967, nước đã bốc hơi và bụi phóng xạ bị thổi bay thêm 1.450 km nữa. Để hạn chế những rủi ro khác có thể xảy ra trong tương lai, người ta đã đổ bê tông cho hồ, tuy nhiên mức độ độc hại vẫn rất cao.

5. Thủy cung trên mặt đất


Nước tuyết tan biến công viên thành hồ nước rộng lớn.

Ở Áo, gần dãy núi Hochschwab có công viên Grüner See nổi tiếng với những con đường mòn đi bộ tuyệt đẹp và không khí trong lành vào mỗi buổi sáng. Nhưng khi mùa xuân đến, bạn sẽ cần một bộ đồ lặn thay vì bộ đồ leo núi khi cả công viên ngập trong nước. Vào mùa đông, công viên được bao phủ bởi một lớp tuyết rất dày. Mùa xuân, chúng tan ra khiến mực nước trong hồ dâng cao nhấn chìm tất cả, từ ghế nghỉ, cây cầu cho đến hoa lá, cây cối. Một thời gian sau khi nước rút, mọi thứ trở lại như thường ngày.

6. Cây kép Casorzo


Cây anh đào và cây dâu tằm cộng sinh.

Tại vùng quê Piemonte của Italy, một cây anh đào sinh trưởng và phát triển trực tiếp trên ngọn một cây dâu tằm. Về mặt lý thuyết, việc ký sinh trên cây khác trong tự nhiên là điều bình thường, nhưng chúng đều là những cây nhỏ và có tuổi thọ ngắn. Còn đối với cây kép Cazorzo, cả cây ký sinh và cây ký chủ đều khỏe mạnh và tồn tại song song. Không ai biết nguồn gốc của chúng. Một giả thuyết cho rằng lũ chim đã thả hạt anh đào lên ngọn cây dâu tằm, nó nảy mầm, phát triển thành cây. Sau quá trình phát triển và bén rễ qua những khoảng trống trên thân cây dâu tằm, cây anh đào đã tìm được nguồn dinh dưỡng ngầm để phát triển.

7. Marcaibo - vùng bão sét bất tận


Biển sét ở tây Venezuela với 28 tia mỗi phút.

Một cơn bão sét xuất hiện liên tục và không ngừng trên sông Catatumbo, phía tây Venezuela. Trong khoảng 260 đêm/năm, bắt đầu từ 7 giờ tối, sấm sét đánh vào đây trong 10 giờ sau đó với tần suất 28 tia mỗi phút.

Trong nhiều năm, không ai có thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho trường hợp kỳ lạ này. Gần đây, một số nhà khoa học nêu giả thuyết rằng lớp đá móng địa chất bên dưới khu vực này chứa nhiều uranium, nhưng họ chưa thể chứng minh. Theo một giả thuyết khác, cơ chế hoạt động phức tạp của các dòng khí nóng lạnh khác nhau và hơi nước trong không khí đã gây ra hiện tượng này.

8. Hồ xanh ở Hokkaido


Ở góc nhìn này, nước hồ chuyển sang màu xanh lục.


Nhưng ở góc độ khác, hồ chuyển màu xanh lam.


Màu của hồ xanh đậm hơn trong ngày bão tuyết.

Hồ trên đảo Hokkaido là điểm du lịch có một không hai trên thế giới. Nước trong hồ có màu sắc khác nhau khi nhìn ở các góc độ khác nhau. Cụ thể, màu nước thay đổi đa dạng giữa hai sắc thái xanh lục và xanh lam theo thời gian trong năm. Hồ nước đặc biệt này là sản phẩm nhân tạo được xây dựng để làm nơi chứa nước cho một con đập. Nhưng sự thay đổi màu sắc của nước là điều bất ngờ đối với những người tạo ra nó. Theo các nhà khoa học, các phân tử nhôm OH- hòa tan trong hồ phản xạ nhiều ánh sáng xanh hơn bình thường.

9. Đá chuông Pennsylvania


Những tảng đá cộng hưởng âm thanh.

Những tảng đá này xuất hiện một cách kỳ lạ trên một đồng cỏ ở đỉnh đồi Pensylvania (Mỹ). Lý do chúng xuất hiện là một bí ẩn, vì xung quanh không có bất kỳ gờ đá cao nào, và chúng không thể rơi từ đâu đó xuống. Tiếng leng keng như âm thanh của các nhạc cụ mà chúng phát ra khi có lực tác dụng cũng rất đặc biệt. Khi tác động lên một viên đá, nó sẽ phát ra âm thanh tần số thấp mà con người không thể nghe thấy. Nhưng khi đặt lại với nhau, những tần số đó sẽ cộng hưởng thành dạng âm thanh mà chúng ta nghe thấy. Rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích điều kỳ lạ này nhưng không ai dám chắc chắn về nó.

10. Núi lửa dung nham xanh


Khí lưu huỳnh bị đốt cháy trên đỉnh núi lửa có màu xanh tuyệt đẹp.

Ngọn núi lửa Kawah Ijen ở Indonesia tuôn trào dung nham xanh khiến nhiều người kinh ngạc. Nguyên nhân được cho là do nó hình thành trên mỏ khí lưu huỳnh. Khí lưu huỳnh bị đốt nóng và cháy cao tới hơn 5m, sau đó ngưng tụ thành dung dịch lỏng, chảy xuống thành những đường màu xanh lam chứ không phải dung nham thực sự.

Chính vì vậy, bầu không khí ở đây khá độc, mọi người đến gần đều phải đeo khẩu trang bảo hộ.

Cập nhật: 18/03/2022 Theo VTC
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video