Mỗi trạm có thể cung cấp oxy di động cho một khu hồi sức 20 giường bệnh hoặc từ 60-70 bệnh nhân thở oxy thường, sẽ thử nghiệm tại Bình Dương và Đồng Nai.
Hệ thống do nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội và công ty Novamed Việt Nam phát triển sau 3 tuần khi nhu cầu oxy cấp thiết tại các bệnh viện dã chiến thu dung bệnh nhân điều trị Covid-19. Trạm cung cấp oxy di động được nhóm nghiên cứu công bố sáng 27/8.
Hệ thống cung cấp oxy và khí nén đủ cho một bệnh viện dã chiến tối đa 70 bệnh nhân. (Ảnh: HUST)
Hệ thống có tên Nonao2-Mobile System, có thể tạo oxy và khí nén y tế công suất 18 Nm3/h, với nồng độ lên tới 95%. Sản phẩm được thiết kế gồm hai cột vật liệu hấp phụ sàng phân tử Zeolite, làm việc luân phiên với khí cấp và xả thông qua các van điều khiển tự động theo công nghệ hấp phụ áp suất chuyển đổi (Pressure Swing Adsorption).
Tức là khi nén không khí vào cột thứ nhất với áp suất cao thì khí ni tơ sẽ được giữ lại trong mao quản của vật liệu hấp phụ, sản phẩm thu được là oxy. Khi cột thứ nhất đã bão hòa nitơ thì sẽ chuyển sang làm việc với cột thứ hai, khi đó cột thứ nhất sẽ thực hiện quá trình tái sinh để chuyển khí nitơ ra ngoài. Quá trình đó sẽ được lặp đi lặp lại tạo nên chu trình hấp phụ thay đổi áp suất.
Không khí khi đi qua hệ thống này sẽ được tách nitơ, oxy, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về nồng độ oxy sử dụng trong Y tế.
PGS.TS Vũ Đình Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện các bệnh viện dã chiến lớn đều dùng oxy được hóa lỏng từ các nhà máy khí công nghiệp. Do hạn chế trong vận chuyển, đóng bình, việc cung cấp oxy không đủ, gây ảnh hưởng tới điều trị bệnh nhân và F0 cách ly tại nhà.
"Giải pháp của nhóm là cung cấp trực tiếp oxy từ khí trời để giúp bệnh viện dã chiến chủ động nguồn oxy cho bệnh nhân", ông nói. Các bệnh viện dã chiến và điều trị bệnh nhân Covid-19 cần khí nén y tế để trộn với oxy, tạo nồng độ oxy theo yêu cầu của bác sĩ. Tùy theo thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định nồng độ và lưu lượng oxy phù hợp. Nhóm đã tính toán để hệ thống có thể cung cấp oxy nồng độ và khí nén y tế đủ cho một trạm hồi sức dã chiến 20 giường hoặc khoảng 70 bệnh nhân thở oxy thường.
Theo nhóm nghiên cứu, sẽ có 2 trạm được chuyển vào thử nghiệm tại Bình Dương và Đồng Nai. Nếu hiệu quả, sản phẩm sẽ được kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng nhân rộng.
Hệ thống lắp đặt thử nghiệm tại Bình Dương và Đồng Nai. (Ảnh: HUST)
Hiện sản phẩm tiếp tục được bổ sung thêm tính năng IoT để kết nối, giám sát, điều khiển từ xa các thông số về chất lượng nồng độ oxy và khí nén.
PGS Tiến cho biết, khi dịch được khống chế, hệ thống này có thể chuyển tới vùng núi, hải đảo, nơi không thể tiếp cận kịp thời khí oxy từ nhà máy công nghiệp.