Các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên từ những hạt giống từng đưa lên lên Mặt trăng và trở về Trái đất trên tàu Chang'e-5.
Những hạt lúa từng được mang lên Mặt trăng trên tàu Chang'e-5 hồi giữa tháng 12 năm trước, được các nhà khoa học Đại học Nông nghiệp Nam Trung, Quảng Đông thu hoạch trên đất ruộng trong cơ sở thí nghiệm sau 7 tháng chăm sóc.
"Lúa vũ trụ" cho hạt gạo dài tới 1 cm, một cây cho 40 gram gạo. (Ảnh: Sohu).
Nhóm thu được 3 bao thóc từ 2.000 cây lúa, một phần nhỏ đem đi kiểm tra, lượng còn lại làm giống tiếp tục gieo trồng. Lúa có chiều cao trên 1 m, đặc biệt hạt gạo dài tới 1 cm, to và đầy đặn, một số có màu trắng, nâu. Một cây cho 40 gram gạo.
Theo nhóm nghiên cứu, sự khác biệt này do hạt lúa được nhân giống trong vũ trụ. Quá trình này sử dụng bức xạ năng lượng cao gồm vi trọng lực, từ trường xoay chiều, chân không cao và các điều kiện môi trường không gian khác để gây đột biến hạt giống cây trồng. Trong điều kiện đó, tần số đột biến gene của hạt giống tương đối cao, lên đến 10%. Vì không có gene ngoại lai đưa vào, lúa được nhân giống trong không gian không được xếp vào loại cây trồng biến đổi gene.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu dự kiến trồng và thu hoạch lúa từ hạt giống này theo kiểu thâm canh để tạo ra những giống lúa mới đặc hữu, có khả năng chống chịu cao, kháng sâu bệnh, tăng năng suất và hương vị ngon hơn.
Hơn 40 năm qua, Trung Quốc có hàng trăm loại cây nhân giống trong vũ trụ được gieo trồng, bao gồm rau, ngũ cốc và cây trồng. Trong đó, lúa được nhân giống ngoài vũ trụ có giá trị lớn đối với nghiên cứu khoa học vì hạt giống sau khi chịu tác động ảnh hưởng trong không gian vũ trụ có thể trở thành cơ sở để phát triển các loại cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao.