Venice lần đầu ngăn lụt thành công sau 1.200 năm

Hệ thống đê chắn lũ MOSE hoạt động hiệu quả khi thủy triều dâng cao, giúp người dân Venice thoát khỏi tình trạng khốn đốn vì ngập lụt.

Là một người dân Venice sống ở tầng trệt, mỗi khi thành phố đối mặt với ngập lụt do thủy triều dâng cao, Sebastian Fagarazzi lại phải kê đồ đạc lên cao, bao gồm nội thất và thiết bị. Nhưng hôm 3/10, dù được dự báo thủy triều sẽ dâng cao 135 cm, khiến một nửa thành phố có nguy cơ bị ngập, khi còi báo động vang lên, Fagarazzi vẫn tỏ ra điềm nhiên. Đây là đợt nước cao (acqua alta) đầu tiên trong mùa nước lụt ở Venice. Đây cũng là ngày đầu tiên sau nhiều thập kỷ trì hoãn, tranh cãi và tham nhũng, thành phố triển khai hệ thống đê chắn lũ ngăn triều cường.


Các cửa chắn lũ trong hệ thống MOSE. (Video: Luigi Brugnaro).

Trong thử nghiệm hồi tháng 7/2020 do đích thân thủ tướng Italy Giuseppe Conte giám sát, hệ thống hoạt động tốt nhưng đó là trong điều kiện thời tiết đẹp và thủy triều thấp. Các thử nghiệm trước đó cũng chưa nâng hết tất cả 78 cửa của đê chắn lắp đặt ở phá Venice. Vào 12h05 ngày 3/10, khi thủy triều dâng cao, quảng trường St Mark, nơi thường bị ngập dưới 90 cm nước, vẫn khô ráo, chỉ có vài vũng nước lớn quanh các cống. Những quán cà phê và cửa hiệu trên quảng trường vẫn mở thay vì đóng cửa nhiều giờ như trước kia. Ở quận Cannaregio phía bắc thành phố, ngôi nhà của Fagarazzi vẫn khô ráo.

Hệ thống bảo vệ này có tên Module Thử nghiệm Điện từ (MOSE), bao gồm 78 cửa chắn lũ lắp ở đáy biển tại ba lối vào chính của phá nước. Khi thủy triều tràn tới, các cửa có thể nhô lên tạo thành một con đê, ngăn nước biển Adriatic tràn vào phá nước gây ngập lụt cho thành phố.

Các đợt nước cao ở Venice thường xuất hiện từ tháng 10 tới tháng 3 hàng năm và kéo dài hai giờ, chủ yếu ảnh hưởng tới hai khu vực thấp nhất thành phố là San Marco và Rialto. Hiện tượng này do nhiều yếu tố kết hợp gây ra, bao gồm triều cường cao bất thường, áp suất khí quyển thấp và sự hiện diện của gió sirocco phương nam. Trong những năm gần đây, tần suất và mức độ thiệt hại do nước cao gây ra ngày càng tăng do biến đổi khí hậu. Vào ngày 12/11/2019, thành phố bị tàn phá bởi đợt nước dâng cao 187 cm khiến gần 90% diện tích ngập lụt. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình phục hồi và số lượng du khách giảm mạnh.


Thử nghiệm trong điều kiện thời tiết xấu là bước tiếp theo với MOSE.

Dự án MOSE bắt đầu thi công từ năm 1984 nhưng nhiều lần trì hoãn khiến một số người dân Venice không tin tưởng công trình sẽ đem lại hiệu quả. Thử nghiệm trong điều kiện thời tiết xấu là bước tiếp theo với MOSE. Tới ngày 2/10, khi trăng tròn và chuyên gia khí tượng dự đoán có gió mạnh vào sáng hôm sau, hội đồng thành phố xin phép các cơ quan chức năng nâng cửa chắn lũ. Còi báo động vang lên khắp thành phố vào 8 giờ sáng ngày 3/10 và thử nghiệm bắt đầu sau đó nửa giờ. Tới 10h10, các cửa chắn đã được nâng lên hết cỡ. Khi mực nước ở ngoài hệ thống MOSE dâng cao 132 cm, bên trong phá, mực nước vẫn ở mức 70 cm, đủ để giữ cho khu vực San Marco khô ráo. Theo Fagarazzi, đây là lần đầu tiên sau 1.200 năm thành phố không bị lụt bởi thủy triều dâng cao.

MOSE chỉ là bước cơ bản nhằm bảo vệ thành phố và phá nước. Dự án bao gồm nâng vỉa hè ở các khu vực thấp nhất trong thành phố lên cao 110 cm và dựng tường ngăn nước biển cố định gần cửa chắn sẽ hoàn thành vào tháng 12/2021 khi bàn giao cho thành phố. Từ giờ tới lúc đó, cửa chắn lũ sẽ được nâng mỗi khi thủy triều dâng cao 130 cm, có nghĩa những trận lụt như năm ngoái chỉ còn là quá khứ.

Cập nhật: 07/10/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video