Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng thế nào đối với cơ thể con người?

Những điều bạn chưa biết về vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Do đó, tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng là điều quan trọng để nâng cao thể chất và trí tuệ.


 Trẻ từ 6-35 tháng tuổi cần được bổ sung vitamin A 2 lần/năm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Vi chất dinh dưỡng là gì?

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể.

Đó là các loại vitamin (A, B, C, D, E...) và khoáng chất (canxi, phốtpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Chúng có vai trò sản xuất năng lượng, cải thiện miễn dịch và tăng cường sức khỏe hệ xương, cần cho sự tăng trưởng của cơ thể và một số quá trình khác.

Hầu hết các loại vi chất dinh dưỡng đều tham gia vào các quá trình hoạt động của cơ thể. Đặc biệt, một số loại còn hoạt động với vai trò giống như chất chống oxy hóa để bảo vệ trước tình trạng tổn thương tế bào liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư, alzheimer...

Vai trò của vi chất dinh dưỡng

Cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được vi chất dinh dưỡng nhưng nguồn bổ sung vi chất dinh dưỡng lại có sẵn trong tự nhiên, bao gồm cả thực phẩm từ động vật và thực vật. Vì thế, ta có thể tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm giàu vi chất trong bữa ăn hàng ngày.

Tuy lượng vi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần không lớn nhưng sự thiếu hụt nó có thể gây ra những ảnh hưởng lớn về thể chất và trí tuệ. Cụ thể, sắt giúp não bộ phát triển và tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu sắt trẻ sẽ biếng ăn, giảm chỉ số thông minh, làm giảm khả năng lao động, học tập.


 Khi thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Kẽm là một nhân tố quan trọng trong hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch, thiếu kẽm trẻ kém phát triển chiều cao, biếng ăn, dễ bị nhiễm khuẩn.

Trong khi đó, vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của mắt và da. Trẻ thiếu vitamin A sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, mắt nhìn kém; phụ nữ thiếu vitamin A có nguy cơ đẻ con thiếu tháng, sinh con nhẹ cân.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 30% phụ nữ, 40% trẻ em toàn cầu bị thiếu máu-thiếu sắt. Tỷ lệ này ở trẻ em các nước châu Phi cao hơn nhiều, ở mức trên 60%. Tình trạng thiếu vitamin A, sắt và kẽm khá phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2019-2020, trên toàn quốc có đến 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ thiếu sắt thường đi đôi thiếu kẽm.

Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng (thiếu hụt nhưng chưa có biểu hiện bệnh) ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Thiếu máu ở trẻ dưới 5 tuổi đang ở mức 19,6%, phụ nữ có thai là 25,6%. Thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 63,5% và 58% ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng, đó là tình trạng suy dinh dưỡng đồng thời cùng tồn tại với thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng của người dân còn chưa hợp lý (tiêu thụ nhiều thịt, ăn ít rau quả…) và thiếu hoạt động thể lực.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng thế nào cho đúng cách?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…); giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.


 Bữa ăn ca của công nhân. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN).

Do đó, cần chủ động đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

Bộ Y tế cũng đưa ra một số lời khuyên để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

  • Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
  • Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hằng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.
  • Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của trạm y tế xã, phường.
  • Trẻ từ 24-59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm; Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
  • Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
  • Ngoài ra, tiếp xúc ánh nắng hằng ngày, đúng cách để dự phòng thiếu vitamin D và đảm bảo an toàn thực phẩm cũng góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

Brazil phát triển “siêu thực phẩm” chống suy dinh dưỡng

Bất ngờ với hàm lượng dinh dưỡng cao trong cám gạo

Bổ sung vi chất cho trẻ

Cập nhật: 10/10/2024 Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video