Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên Hợp Quốc (UN), dân số thế giới hiện là khoảng 7,7 tỷ người. Con số này được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050.
Tuy nhiên, có bao giờ bạn đặt ra một câu hỏi: Trong số hàng tỷ người đang sinh sống trên Trái đất, tại sao chúng ta không thể tìm được hai khuôn mặt giống nhau y như đúc kể cả trong các trường hợp sinh đôi và sinh ba? Trên thực tế, chúng ta có thể thấy 2 người có những nét "hao hao" giống nhau hoặc có sự tương đồng về cấu tạo mắt, mũi, tai hay miệng, nhưng không bao giờ có thể giống tất cả mọi thứ 100%.
Vậy yếu tố nào đã khiến mỗi người trong số gần 8 tỷ người có khuôn mặt khác nhau?
Về cơ bản, danh tính của bạn được "viết" trên khuôn mặt của bạn. Nhìn ra tự nhiên, rất ít động vật có khuôn mặt riêng biệt như con người chúng ta - ngay cả những loài động vật khác như quạ, chim bồ câu, chó và ong cũng có thể nhận biết và phân biệt khuôn mặt người này với khuôn mặt người khác.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California Berkeley (Mỹ), sự đa dạng trên khuôn mặt của chúng ta là kết quả của áp lực tiến hóa để đảm bảo tất cá thể con người đều dễ dàng nhận ra lẫn nhau.
"Con người có khả năng nhận diện khuôn mặt tốt một cách phi thường; có một phần của bộ não chúng ta chuyên làm nhiệm vụ đó. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng con người đã tiến hóa để trở nên độc nhất và dễ nhận biết. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ trông giống nhau hơn", nhóm nghiên cứu cho biết.
Việc tác động để hình thành khuôn mặt thì không theo bất kì quy luật nhất định nào.
Để xem liệu khuôn mặt của chúng ta có thay đổi do ngẫu nhiên hay do chọn lọc tự nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California Berkeley đã phân tích các thống kê giải phẫu cơ thể từ cơ sở dữ liệu của Quân đội Hoa Kỳ. Đồng thời, họ cũng tham khảo dữ liệu của dự án 1000 bộ gen, vốn đã giải mã trình tự hơn 1.000 bộ gen người kể từ năm 2008 và lập danh mục gần 40 triệu biến thể di truyền của con người trên toàn thế giới.
Sau quá trình phân tích, các chuyên gia phát hiện khuôn mặt chính là bộ phận đặc biệt nhất. Điều này có nghĩa, gene di truyền có ảnh hưởng nhất định tới các đặc điểm trên cơ thể như chiều cao, cân nặng. Tuy nhiên, việc tác động để hình thành khuôn mặt thì không theo bất kì quy luật nhất định nào. Đây là bộ phận duy nhất khác nhau hoàn toàn ở mỗi người, không ai giống ai và có thể coi là chứng minh thư tự nhiên của mỗi cá nhân.
Để làm rõ hơn điều này, các chuyên gia đã tiếp tục nghiên cứu và phân tích chuỗi gene của nhiều người ở các châu lục khác nhau, tập trung chủ yếu vào 59 đoạn nhỏ của ADN quy định đặc điểm khuôn mặt. Kết quả, họ nhận thấy rằng các đoạn ADN nhỏ này có sự biến đổi phức tạp hơn rất nhiều so với các đoạn ADN quy định chiều cao, cân nặng và đặc đỉnh hình thể khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy các đặc điểm như khoảng cách trán-cằm, chiều cao tai, chiều rộng mũi và khoảng cách giữa hai mắt có sự thay đổi nhiều hơn so với các đặc điểm không phải trên khuôn mặt. Các đặc điểm có nhiều thay đổi nhất được tìm thấy trong "tam giác" bao gồm mắt, mũi và miệng.
Vậy tại sao con người lại tiến hóa như vậy?
Lời giải thực sự nằm ở quá trình tiến hóa mà con người trải qua. Cụ thể, các đặc điểm giúp con người sinh tồn tốt hơn sẽ được giữ lại và phát triển. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn so sánh ADN của người Neanderthal và người Denisovan - hai loài người tinh khôn đã tuyệt chủng, với ADN của con người ngày nay. Kết quả, họ phát hiện ra sự đa dạng của khuôn mặt người là một đặc điểm đã tiến hóa từ rất lâu.
Trong tự nhiên, rất nhiều loài động vật dựa vào mùi hoặc âm thanh để nhận biết nhau, không cần đến các đặc điểm khuôn mặt đặc biệt. Nhưng con người là một loài khả năng quan sát tốt và có tính xã hội cao. Vì vậy việc chúng ta tập trung tiến hóa vào khuôn mặt là điều hợp lý. Việc dễ nhận biết mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Chẳng hạn, nó có thể ngăn một ai đó khỏi nhầm lẫn bạn với kẻ thù của anh ta, hoặc đảm bảo rằng ai đó có khuôn mặt tương tự bạn không thể chiếm đoạt tài sản của bạn.
Sự đa dạng của khuôn mặt người là một đặc điểm đã tiến hóa từ rất lâu.
Phần lớn con người hiện đại có khả năng nhận diện các đối tượng khác nhau với độ chính xác lên tới 97,53%, ngoại trừ một số ít người mắc phải hội chứng "mù khuôn mặt" khiến họ không thể nhận ra khuôn mặt của người khác cũng như của chính mình. Chi tiết hơn, khoảng cách, độ lớn, độ dày của mắt, mũi và miệng là những đặc điểm giúp chúng ta phân biệt rõ nhất người này với người khác.
Để so sánh, hầu hết các động vật (không phải người) đều có khuôn mặt tương đối đồng đều, vì chúng sử dụng các dấu hiệu khác như mùi hương hoặc âm thanh phát ra để phân biệt lẫn nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số loài động vật có khả năng tương tự như con người. Một nghiên cứu năm 2011 của của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy ong bắp cày giấy có khả năng phân biệt được từng đồng loại nhờ đặc điểm khuôn mặt cũng như màu sắc rất riêng của từng con.