Việt Nam: Tổng hợp được 2,5 gam oseltamivir

Các chuyên gia thuộc Viện Hoá học (Viện KH&CN VN) đã tổng hợp thành công hoạt chất oseltamivir từ axít shikimic trong phòng thí nghiệm. Đây là bước đột phá thứ hai sau khi họ chiết xuất được shikimic từ hoa hồi của VN cách đây hơn 2 tháng.

TS Trần Thị Thu Thuỷ (trái) và TS Đoàn Mai Hương, hai cán bộ thực hiện các phản ứng tổng hợp hữu cơ
Cho tới nay nhóm đã tổng hợp được 2,5g oseltamivir từ shikimic. Tuy nhỏ nhưng lượng oseltamir này đã chứng tỏ VN có đủ khả năng tự tổng hợp được oseltamivir. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục tổng hợp hoạt chất này với số lượng lớn hơn.

TS Nguyễn Quyết Chiến, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết lựa chọn phương pháp tổng hợp sao cho phù hợp với điều kiện VN là công việc khó nhất trong toàn bộ quy trình.

Công việc này do chính ông đảm nhiệm. Tiếp đến, để ra được oseltamivir nhóm phải tiến hành hơn 10 phản ứng tổng hợp hữu cơ, chẳng hạn phản ứng ester hoá, phản ứng tạo vòng epoxide...

Quá trình tổng hợp cần dùng nhiều hoá chất độc hại, nhiều thao tác khó và nhanh. Có những hoá chất bị thuỷ phân ngay khi gặp hơi ẩm. Do vậy, một số phản ứng đòi hỏi các điều kiện đặc biệt, chẳng hạn như trong môi trường khô hoặc -34 độ C.

TS Trần Thị Thu Thuỷ, một trong hai cán bộ thực hiện các phản ứng tổng hợp, cho biết: ''Tôi cảm thấy may mắn và vinh dự khi được giao nhiệm vụ này. Đây là cơ hội để tôi học hỏi, có thêm nhiều kinh nghiệm vì đây là những phản ứng mới, chưa làm bao giờ''.

Chiếc lọ chứa 2,5 gam oseltamivir
Trong thời gian tới các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng một quy trình công nghệ ổn định ở quy mô phòng thí nghiệm.

Quy trình đó sẽ tạo ra một lượng hoạt chất oseltamivir, cung cấp cho Bộ Y tế để thử lại hoạt tính chống virut H5N1. Cuối cùng, nhóm sẽ tiến tới xây dựng một quy trình ổn định ở quy mô công nghiệp.

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng, thành công trên của nhóm nghiên cứu đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt trong lĩnh vực tổng hợp hữu cơ làm thuốc tại VN.

Thành tựu này khẳng định sự đầu tư đúng của Nhà nước trong đào tạo đội ngũ cán bộ từ nhiều năm nay cũng như tăng cưòng các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại trong thời gian gần đây.

Được biết, nhóm nghiên cứu, trong đó có TS Phạm Văn Cường đã hoàn thiện công nghệ chiết xuất axít shikimic ở quy mô công nghiệp. Hiện Viện Hoá học đang chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền về cách sử dụng lượng shikimic đã chiết xuất được trong thời gian qua.

Minh Sơn

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video