Vũ khí thời tiết - Sự tinh vi có thể kiểm soát hay tự sát?

Mặc dù tiềm năng tạo ra vũ khí thời tiết bằng những tác động vào tầng điện ly hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, những phỏng đoán về sự liên quan của các hoạt động quân sự với các thảm họa bất thường trong những năm gần đây vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt?

Tháng 12/1976, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết 31/72 về "Công ước Cấm quân sự hoặc bất kỳ việc sử dụng phương tiện thù địch nào khác gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên”. Điều này làm gia tăng nghi ngờ về việc con người có thể đã từng tác động vào thời tiết với mục đích quân sự.

Bất kỳ cuộc chiến nào cũng diễn ra trong những điều kiện khí hậu và địa hình nhất định và thời tiết đóng vai trò ảnh hưởng rất lớn tới sự thành bại của một cuộc chiến.


Vũ khí thời tiết có thể gây thiệt hại một cách tinh vi và trên diện rộng. (Nguồn: Top War).

Tiêu diệt kẻ thù mà không cần tốn đạn hay đổ máu luôn là “một ước mơ lớn”. Hơn nữa, việc sử dụng vũ khí khí hậu là một cách tinh vi để tiêu diệt địch sẽ không vấp phải những chỉ trích liên quan đến vấn đề nhân đạo hay chính trị - nếu kế hoạch suôn sẻ. Chẳng hạn, một đội quân đang trong thế chẻ tre, đột nhiên, một cơn bão hoặc một trận mưa như trút nước bất thường ập xuống. Hoặc nghiêm trọng hơn, một trận động đất bất ngờ không những phá hủy cơ sở hạ tầng, nhiên liệu, kho đạn dược và lương thực mà còn tiêu diệt toàn bộ đội quân theo cách “hoàn toàn tự nhiên”.

Yếu tố nổi bật của vũ khí thời tiết là các hiện tượng khí hậu hoặc các hiện tượng tự nhiên khác nhau được tạo ra bởi con người. Thực tế cho thấy, quá trình nghiên cứu và phát triển vũ khí thời thiết vẫn chưa khẳng định rõ ràng, bởi phần lớn có thể đang “núp bóng” dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học và chưa từng công khai buôn bán như các loại vũ khí khác.

Ưu thế từ khả năng điều khiển thời tiết

Những thay đổi thời tiết trên mặt đất đều bị ảnh hưởng bởi những biến động liên tục ở tầng điện ly. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu kiểm soát được tầng điện ly sẽ chiếm được nhiều ưu thế giúp vô hiệu hóa hệ thống radar, làm chệch hướng tên lửa cũng những làm nhiễu loạn các hệ thống điều khiển khác. Không dừng lại ở đó, với vai trò là một vũ khí chiến lược, chúng có thể gây ra những trận siêu bão hay siêu lốc xoáy, tạo ra một bước tiến trong cuộc đua vũ khí hủy diệt thế hệ mới.

Trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ của một số quốc gia phát triển rất quan tâm đến tình hình môi trường trên Trái đất. Nhiều khu phức hợp thí nghiệm, viện đào tạo và trung tâm nghiên cứu được thành lập để theo sát các hiện tượng thời tiết. Trong đó, nổi bật nhất và quy mô nhất là Tổ hợp HAARP của Mỹ, đặt tại Alaska và cơ sở SIHF của Nga đặt gần thành phố Nizhny Novgorod.

Giới quan sát phỏng đoán và đặt giả thuyết về vai trò thực sự của căn cứ quân sự đặc biệt nêu trên, đặc biệt là liệu các tổ hợp này có liên quan đến hoạt động nghiên cứu vũ khí thời tiết hay không? Rõ ràng là sẽ không có bất cứ nước nào tiết lộ về chương trình phát triển vũ khí khí hậu.

Nguyên nhân không chỉ là sự ràng buộc của các công ước quốc tế ký kết bởi các nước lớn, mà còn liên quan việc một khi những công nghệ như vậy ra đời sẽ thực sự mang tính cách mạng và có khả năng thay đổi cán cân lực lượng quân sự trên hành tinh. Sở hữu những vũ khí như vậy sẽ có thể “uy hiếp” bất kỳ quốc gia nào đối đầu và dễ dàng đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự nào khác.

Khó kiểm soát mức độ thiệt hại

Những thảm họa thời tiết trong thời gian qua luôn khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu những thảm họa đầy bí ẩn đó có thật là cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên hay do bàn tay con người?

Nhiều nghi ngờ đổ dồn về phía các trung tâm nghiên cứu tầng điện ly khi cho rằng, họ đang học cách thức gây ra các thảm họa tự nhiên như siêu bão, động đất, lốc xoáy, hạn hán, lũ lụt...

Theo một số giả thuyết của giới khoa học, một khi hiểu rõ được những hoạt động tại tầng điện ly, quân đội có khả năng gây ra bão và điều khiển hướng chúng đến một số điểm nhất định trên Trái đất, hay gây hạn hán kéo dài nhiều tháng. Đó có thể là cách trừng phạt các quốc gia thù địch, từ đó phá hủy hệ sinh thái cũng như nông nghiệp của đối phương, gây khủng hoảng và làm kiệt quệ nền kinh tế.

Con người hiện chưa hiểu rõ hết bản chất của một số hiện tượng tự nhiên. Con người chưa bao giờ có thể kiểm soát tự nhiên, mà vẫn chỉ là một phần nhỏ của thế giới tự nhiên. Việc nhận thức các quy luật của nó và biến chúng trở thành vũ khí không những làm xáo trộn thiên nhiên, mà còn gây ra sự hủy diệt trên diện rộng và nhận nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai. Con người có thể tạo ra động đất hoặc mưa bão để tiêu diệt đối thủ của mình ngày hôm nay, nhưng những tai ương này có thể giáng thẳng vào chính bản thân họ vào ngày mai.

Chúng ta hiểu rằng, bất kỳ sự xáo trộn nhân tạo nào trong thế giới tự nhiên, dù là vũ khí khí hậu, vũ khí sinh học hay một thứ vũ khí nào khác, đều sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường ở cấp độ hành tinh. Dịch Covid-19, dù chưa thể có kết luận chính xác là do tự nhiên hay con người, nhưng đã cho thấy, mỗi cá thể nói riêng và nhân loại nói chung dễ bị tổn thương như thế nào trước những biến đổi không thể lường trước được của tự nhiên.

Cập nhật: 20/08/2020 Theo baoquocte
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video