Xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường TP.HCM: Ngân sách không kham nổi!

Gần đây, Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM đã liên tiếp thực hiện nhiều cuộc giám sát tình hình quản lý môi trường trên địa bàn. Nhiều vấn đề môi trường nóng bỏng đã bộc lộ: xử lý rác, ô nhiễm nước thải và chất thải công nghiệp, nước thải y tế...

Ông Nguyễn Minh Hoàng (Ảnh: TTO)

Trao đổi với PV, ông NGUYỄN MINH HOÀNG - trưởng Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP - nhấn mạnh:

- Ngoài lượng rác thải hàng ngàn tấn mỗi ngày, bùn hầm cầu với khối lượng lớn của TP.HCM hiện nay cũng chưa có lối thoát. Lâu nay, TP.HCM đổ loại chất thải này ở địa bàn quận Tân Phú, gây ô nhiễm hết sức nặng nề, trong khi cho đến nay bãi đổ mới chưa có. Còn nước thải công nghiệp và nước thải y tế đa số chưa được xử lý. Kinh phí thành phố dành cho khắc phục ô nhiễm, giữ gìn vệ sinh môi trường là cực kỳ tốn kém.

* Thưa ông, vấn đề xử lý rác thải TP.HCM hiện đang rất bức bách, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, lại còn bị động... Ban kinh tế và ngân sách HĐND TP có khuyến cáo hay giải pháp thúc đẩy nào cho vấn đề này?

- Vấn đề này HĐND TP.HCM đã đề cập nhiều lần kể từ kỳ họp thứ 3 (tháng 12-2004), chứ không phải đợi đến bây giờ mới đưa ra. Một thành phố lớn như TP.HCM thì vấn đề quản lý và xử lý rác là cực kỳ quan trọng, phải đi trước một bước. Nhưng cho đến giờ này những dự án đã triển khai chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong việc xử lý rác thải. Tiến độ các dự án lại chậm và công nghệ xử lý rác chủ yếu là chôn lấp. Đó là chưa kể đến một số nơi đang gặp sự cố, như bãi rác Gò Cát thì gặp trục trặc ở khâu xử lý nước rỉ rác.

Những ách tắc hiện nay có hai chuyện: chưa có chính sách để nhà đầu tư chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác với công nghệ tiên tiến, mới chỉ đầu tư vào chôn lấp trong khi quĩ đất của thành phố ngày càng hạn hẹp thì chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề. Vì vậy, thành phố vẫn cứ loay hoay tìm một chính sách thông thoáng ở lĩnh vực này để nhà đầu tư thấy có lợi khi bỏ vốn. Một điều nữa là việc cân đối ngân sách cho lĩnh vực này thì thành phố không kham nổi. Mỗi năm thành phố có mười mấy nghìn tỉ đồng nhưng phải bố trí cho rất nhiều dự án bức xúc khác.

* Nhưng thưa ông, một số nhà đầu tư có phàn nàn rằng việc xúc tiến các thủ tục đầu tư vào xử lý rác ở TP.HCM rất nhiêu khê, họ đâm ra nản lòng... HĐND TP có quan tâm đến việc thúc đẩy xúc tiến kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực này?

- Chúng tôi có nghe thông tin phàn nàn đó nhưng thực tế thì chưa có những địa chỉ cụ thể. Theo tôi, cho đến giờ này thành phố sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải. Nếu ngành môi trường không tiếp nhận các dự án đầu tư thì hãy chỉ đến UBND TP. Báo chí có phát hiện dự án đầu tư nào thì cứ giới thiệu, chúng tôi sẽ làm cầu nối xúc tiến triển khai các dự án. Hiện nay việc kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực này cũng như kêu gọi đầu tư mở rộng mạng cấp nước là hết sức khó khăn.

QUỐC THANH thực hiện

5 năm tới, môi trường TP sẽ tốt hơn

* Số tiền TP đầu tư hằng năm cho các hoạt động môi trường là rất lớn. Thế nhưng tại sao tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm? Có cách nào cải thiện được tình hình?

- Ông Nguyễn Trung Việt (trưởng Phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM): Mỗi năm Công ty Môi trường đô thị được cấp 350 tỉ đồng để vận chuyển rác, riêng xà bần đã chiếm 60-70 tỉ đồng. Mặc dù xà bần là thứ bán được tiền nhưng Nhà nước vẫn phải tốn tiền thu gom vận chuyển. Sau khi sở giao khoán, lập tức vận chuyển xà bần giảm xuống được 30 tỉ đồng.

Nếu trả lương cho mỗi người là 5 triệu đồng/tháng thì số tiền 30 tỉ đồng đó sẽ trả được cho bao nhiêu người? Tôi dám chắc rằng nếu tăng quân số giám sát ở tất cả các lĩnh vực môi trường thì TP vừa xanh vừa sạch lại vừa đẹp.

Từ ngày TP mới có 2,5 triệu dân cho đến giờ đã rất khác, trước TP chỉ có 14 quận, huyện, nay đã tăng thành 24 quận, huyện; còn khu công nghiệp cũng từ chưa có cái nào đã tăng thành 15 khu công nghiệp. Thế nhưng biên chế thì không tăng, người làm về môi trường gần như vẫn giữ nguyên.

* Liệu trong vòng năm năm tới, người dân có thể hi vọng môi trường TP có gì cải thiện hơn hiện nay không, thưa ông?

- Tôi tin rằng trong năm năm tới, môi trường TP sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay. Nếu không có gì thay đổi thì năm 2008, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được giải quyết xong. Và đến năm 2010 TP cũng dự kiến xây xong nhà máy xử lý nước thải. Còn về vấn đề chất thải rắn, trong năm nay hoặc chậm nhất là năm sau, chúng tôi sẽ hoàn thành các văn bản pháp qui, qui hoạch.

THU THẢO thực hiện

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video