Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ra một chú sóc đất kỳ lạ tại khu rừng trên đảo Borneo thuộc Indonesia, Brunei và Malaysia.
Theo đó, chú sóc với tên khoa học Rheithrosciurus macrotis này lớn gấp 2 lần kích thước của hầu hết các loài sóc cây khác và có đặc tính "hút máu". Không chỉ vậy, loài động vật có vú thuộc bộ Gặm nhấm này có chiếc đuôi "khủng" - dài tới 35cm khi xù lông.
Hình ảnh ghi lại được về Rheithrosciurus macrotis trong rừng Borneo
Đặc điểm này khiến cho Rheithrosciurus macrotis trở thành một trong những loài có tỷ lệ chênh lệch chiếc đuôi với cơ thể lớn nhất thế giới.
Nhà nghiên cứu động vật có vú - Melissa Hawkins thuộc Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên ở Washington, Mỹ cho biết: "Chiếc đuôi của Rheithrosciurus macrotis lớn hơn 30% so với trọng lượng cơ thể chúng".
Hình ảnh về loài Rheithrosciurus macrotis
Có khá nhiều loài động vật có đuôi lớn, cồng kềnh hơn cơ thể như loài sóc sọc, sóc lượn (có khả năng bay lượn, lướt đi trong không khí như những tàu lượn một cách tài tình)...
Hầu hết tất cả các loài sóc đều sử dụng chiếc đuôi xù của mình như một chiếc dù, giúp "hạ cánh" an toàn trên mặt đất. Khi gặp kẻ thù, chiếc đuôi của chúng dựng đứng lên, có tác dụng như một bánh lái của con tàu, giữ thăng bằng cho cú nhảy.
Hình ảnh Rheithrosciurus macrotis rất giống với nhân vật Scrat trong bộ phim Ice Age
Tìm hiểu sâu hơn, Erik Meijaard - người tham gia vào nghiên cứu kể về một câu chuyện truyền thuyết địa phương cho rằng Rheithrosciurus macrotis vô cùng đáng sợ.
Chúng chủ yếu ăn những hạt sồi khổng lồ và rất thích săn mồi - những con thú lớn hơn chúng. Thợ săn nói rằng, loài sóc Rheithrosciurus macrotis thường đậu ở cành thấp và nhảy lên lưng của con nai, cắn vào tĩnh mạch của nó và hút máu.
Nhà động vật học Roland Kays cho rằng, đây chỉ là một câu chuyện giả tưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảm thấy thú vị với câu chuyện và vẫn đang tìm hiểu về loài sóc độc đáo này.