Ảo ảnh quang học khiến bạn "biết nhưng vẫn bị lừa"

  •  
  • 1.088

Người ta nói "thấy thì tin", nhưng liệu bạn có thực sự tin vào những gì mình nhìn thấy?

Nhìn vào hình ảnh dưới đây, bạn có thấy 2 hình tròn màu cam có cùng kích thước?

Ảo ảnh hình tròn màu cam
Ảo ảnh hình tròn màu cam. (Ảnh: Visme).

Nếu câu trả lời là có, bạn đã chính thức bị ảo ảnh quang học đánh lừa. Thậm chí dù đã biết trước câu trả lời, chúng ta vẫn có cảm giác rằng vòng tròn màu cam bên trái nhỏ hơn bên phải. Tuy nhiên trên thực tế, chúng có kích thước bằng nhau.

Đó là một ví dụ điển hình về cách thức mà các ảo giác quang học diễn ra. Chúng có thể được xem như một hình thức thách thức nhận thức của chúng ta về thực tế.

Khoa học cho rằng chúng ta thấy bằng cách học cách nhìn. Bộ não của chúng ta đã phát triển để xác định các mẫu, tạo ra các mối liên kết bằng cách tương tác với thế giới thực. Đó là một bản năng sinh tồn.

Tuy nhiên, khi một tình huống thị giác xuất hiện và khác với những gì mà bộ não của chúng ta gọi là "chuẩn mực", ảo ảnh quang học sẽ xuất hiện.

Nó là kết quả của phản ứng của bộ não đối với những trải nghiệm thị giác bất thường, và đi đến những diễn giải có vẻ "không phù hợp".

Hiệu ứng Troxler
Hiệu ứng Troxler. (Ảnh: Visme).

Nhìn chằm chằm vào trung tâm của hình ảnh mờ bên trên mà không chớp mắt. Sau vài giây, có phải bạn thấy hình ảnh bắt đầu biến mất?

Ảo ảnh thị giác này được gọi là Hiệu ứng Troxler, do bác sĩ người Thụy Sĩ Ignaz Paul Vital Troxler phát hiện lần đầu tiên vào năm 1804.

Nó tiết lộ về cách thức mà hệ thống thị giác của chúng ta thích ứng với các kích thích giác quan, cụ thể là ngừng phản ứng với các kích thích không thay đổi theo thời gian.

Trong trường hợp này, bạn có thể thấy rất rõ rằng hình ảnh mờ ở hậu cảnh đã dần biến mất khỏi ý thức của chúng ta.

Ảo ảnh Checker Shadow
Ảo ảnh Checker Shadow. (Ảnh: Visme).

Trong ảo ảnh thị giác nổi tiếng có tên gọi "Ảo ảnh bóng kẻ caro", ô vuông được đánh dấu bằng chữ A trông tối hơn nhiều so với chữ B, phải không?

Nhưng trên thực tế, chúng có cùng một màu xám.

Đó là một ví dụ kinh điển về cách mà hệ thống thị giác của chúng ta không thể nhận thức một cách tuyệt đối.

Ở đây, tình huống diễn giải trực quan trên bàn cờ rất phức tạp: Có ánh sáng chiếu lên bề mặt, sau đó có bóng do hình trụ tạo ra, chiếu lên cả ô sáng và ô tối.

Điều này khiến não của chúng ta nhầm lẫn khi xác định màu sắc của ô vuông A và B, kết quả là đưa ra những phán đoán sai lầm.


Ảo ảnh hoa cà tím. (Ảnh: Visme).

Sau khi nhìn vào chữ thập ở giữa khoảng vài giây, bạn sẽ bắt đầu thấy một chấm màu xanh lục chạy vòng quanh. Nhìn lâu hơn, chúng ta sẽ thấy các chấm màu tím như biến mất.

Hiệu ứng có tên gọi "dư ảnh võng mạc tiêu cực" xảy ra khi hệ thống nhận thức của chúng ta thích nghi để lấp đầy khoảng trống do "dư ảnh" của các màu bổ sung trên một màu trung tính để lại.

Trong trường hợp này, sự biến mất của các chấm màu hoa cà tạo ra sự xuất hiện của các dư ảnh có màu bổ sung (xanh lục).

 Ảo ảnh Poggendorff.
Ảo ảnh Poggendorff. (Ảnh: Visme).

Nhìn vào hình bên trái, đường màu đen dường như thẳng hàng với đường màu xanh. Tuy nhiên trên thực tế, đường màu đen lại được xếp thẳng hàng với đường màu đỏ, như thể hiện trong hình ảnh bên phải.

Johann Poggendorff, một nhà vật lý người Đức, là người đầu tiên mô tả ảo ảnh này vào năm 1860. Nó tiết lộ cách bộ não của chúng ta cảm nhận độ sâu và hình dạng hình học, nhưng nguyên nhân của ảo ảnh quang học này vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.

Ảo ảnh Shepard
Ảo ảnh Shepard. (Ảnh: Visme).

Khi nhìn vào hai chiếc bàn trên, bạn sẽ tin rằng chúng không thể có cùng kích thước. Ít nhất là chiếc bàn bên trái có vẻ kém vuông hơn bàn bên phải. Tuy nhiên trên thực tế, 2 mặt bàn này lại giống y hệt nhau.

Ảo ảnh thị giác đơn giản nhưng đáng kinh ngạc này do nhà tâm lý học người Mỹ Roger Shepard trình bày trong cuốn sách Mind Sights (xuất bản năm 1990).

Nó cho thấy hệ thống thị giác của chúng ta phần lớn bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm của chúng ta với thế giới bên ngoài và do đó đôi khi can thiệp vào thực tế.

Cụ thể trong ảo ảnh này, lỗi nhận thức là do bộ não của chúng ta không thể không diễn giải 3D các hình ảnh 2D và cảm nhận các kích thước rất khác nhau do phối cảnh bị rút ngắn.

Cập nhật: 09/07/2023 Dân Trí
  • 1.088