Ảo ảnh thị giác nổi tiếng này thực sự khiến não "đơ" theo đúng nghĩa đen

  •  
  • 4.646

Theo như nghiên cứu mới đây, não bộ phải tốn nhiều thời gian hơn để chúng ta nhìn thấy được ảo ảnh thị giác này.

Não bộ của chúng ta rất dễ bị đánh lừa bởi những thông tin thu nhận được từ giác mạc, và những hình ảnh đánh lừa được nó được gọi chung là những ảo ảnh thị giác - hay Optical Illustion.

Lợi dụng đặc điểm này, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều bức hình ảo thị kinh điển, và một trong số đó là Pinna-Brelstaff - ảo ảnh thị giác có hình dạng những vòng tròn đồng tâm nhưng theo chiều ngược nhau.


Đây chính là ảo giác Pinna-Brelstaff.

Đây là một ảo ảnh thị giác hết sức thú vị: Bạn đưa đầu lại gần hoặc ra xa, các vòng tròn bên trong bắt đầu xoay theo các hướng khác nhau. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì hình dạng của các vòng tròn khiến não bộ chúng ta bị lừa, cho ra cảm nhận về chuyển động, dù chúng thực sự đang đứng yên.

Nói chung thì vì là ảo ảnh thị giác, nên bản Pinna-Brelstaff chỉ là hình ảnh đánh lừa não bộ. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây thì mọi chuyện không dừng lại ở đó. Hóa ra, ảo giác này có thể khiến não bộ "đứng hình", hoạt động chậm lại theo đúng nghĩa đen.

"Cơ chế chuyển đổi thần kinh giữa việc nhìn vật thể trong thực tế và qua ảo giác thực sự vẫn còn bí ẩn" - trích trong báo cáo nghiên cứu.

"Việc tìm hiểu về cơ chế này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của não bộ".

Cụ thể thì từ năm 2018, các chuyên gia từ Viện khoa học Trung Quốc đã thử theo dõi não bộ của 42 ứng viên bằng máy chụp cộng hưởng MRI từ khi quan sát ảo giác Pinna-Brelstaff. Tuy nhiên MRI có một vài hạn chế, nên không thể hé lộ được cơ chế thần kinh ẩn sau đó.

Hệ thần kinh phải tốn thêm 15 mili giây để xử lý các hình ảnh này.
Hệ thần kinh phải tốn thêm 15 mili giây để xử lý các hình ảnh này.

Vậy nên lần này, các chuyên gia quyết định thực hiện thí nghiệm trên những con khỉ vàng (Macaca mulatta). Họ cài một vài điện cực vào não của chúng để phân tích được những chi tiết sâu hơn.

Để thực hiện thí nghiệm thì trước tiên, chúng ta phải xác định xem khỉ vàng có thể cảm nhận được ảo ảnh thị giác này không. Họ đã để 9 ứng viên là người và 2 con khỉ (được giữ cố định đầu) theo dõi ảo thị này, đồng thời ghi lại chuyển động của mắt. Kết quả cho thấy, cả khỉ lẫn người đều có phản ứng tương tự khi quan sát ảo thị, nghĩa là khả năng cảm nhận của cả 2 là như nhau.

Bước tiếp theo, các chuyên gia ghi lại hoạt động của não bộ. Những con khỉ tham gia thí nghiệm được huấn luyện để phân biệt hướng xoay của ảo thị. Kết quả, các chuyên gia cho biết ảo giác ấy đã kích hoạt phần não bộ cảm nhận chuyển động trong não, giống như chúng ta được thấy các chuyển động ngoài đời thực.

Tuy nhiên có một điểm khác biệt: hệ thần kinh phải tốn thêm 15 mili giây để xử lý các hình ảnh này. Hay nói cách khác, não bộ đã bị "đơ" ra một lúc, dù chỉ là trong thời gian rất ngắn.

Không rõ vì sao não bộ lại "khựng" mất một lúc như vậy, nhưng giả thuyết được đặt ra là não cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi giữa chuyển động ảo giác với chuyển động thực tế. Dẫu vậy, các nghiên cứu trong tương lai sẽ cần được thực hiện để xác định lại câu chuyện này.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng não bộ con người cũng có phản ứng tương tự. Nhưng cũng như kết luận trên, chúng ta cũng cần các nghiên cứu trong tương lai xát nhận lại nó.

"Câu hỏi vẫn còn đó, rằng não bộ của các loài linh trưởng đã hoạt động như thế nào để phân biệt chuyển động thực tế và ảo giác".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Neuroscience.

Cập nhật: 21/02/2019 Theo helino
  • 4.646