Ashurbanipal: Thư viện hoàng gia lâu đời nhất thế giới

  •  
  • 828

Vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, Ashurbanipal – vị vua vĩ đại của Đế quốc Tân Assyrian – xây dựng Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal để chứa những tài liệu mà ông sưu tập được thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thư viện này đem lại cho chúng ta cái nhìn mới về cuộc sống ở vùng Cận Đông thời cổ đại.

Thư viện Hoàng giaAshurbanipal đôi khi được mô tả là “thư viện đầu tiên trên thế giới”, hay “thư viện hoàng gia lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay”. Các nhà khảo cổ phát hiện thư viện khi đang tiến hành một cuộc khai quật tại thành phố cổ Nineveh, ngày nay thuộc vùng đất Kuyunjik ở Iraq. Nineveh từng là thủ đô của Đế quốc Tân Assyria dưới triều đại vua Ashurbanipal nên người ta dùng tên của vị vua này để đặt cho thư viện.

Cung điện của vua Ashurbanipal thời cổ đại.Cung điện của vua Ashurbanipal thời cổ đại. (Ảnh: Ancient Origins).

Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal là nơi lưu giữ hàng chục nghìn tấm bảng đất sét (clay tablet), hay phiến đất sét chứa các văn bản chữ hình nêm, hệ thống chữ viết sớm nhất trong lịch sử nhân loại được phát minh bởi người Sumer ở Lưỡng Hà. Chữ hình nêm xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 3500 – 3000 trước Công nguyên.

Vị vua nổi tiếng Ashurbanipal

Ashurbanipal là vị vua giỏi cuối cùng của Đế quốc Tân Assyrian, trị vì trong khoảng thời gian từ năm 668 – 627 trước Công nguyên. Trong thời kỳ này, Đế quốc Tân Assyrian trải qua sự mở rộng lãnh thổ lớn nhất. Các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ashurbanipal bao gồm Babylon, Ba Tư, Syria và Ai Cập, Ashurbanipal cai trị đất nước với nhiều chính sách đảm bảo công lý và công bằng nên ông là vị vua nổi tiếng và được nhiều người dân ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ông cũng được biết đến với sự tàn nhẫn và hung ác khi đối phó với kẻ thù.

Ashurbanipal ban đầu không được kỳ vọng sẽ kế vị vua cha Esarhaddon, bởi vì ông có một người anh trai tên là Sin-iddina-apla. Khi anhtrai qua đời vào năm 672 trước Công nguyên, Ashurbanipal nghiễm nhiên trở thành người thừa kế vương quyền. Ngay từ khi còn nhỏ, Ashurbanipal đã đam mê nghiên cứu học thuật. Nhờ đó, ông có thể đọc viết thành thạo cả hai ngôn ngữ của người Akkad và Sumer, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau đặc biệt là toán học và bói dầu (phương pháp dự đoán tương lai dựa vào hình dạng của váng dầu khi đổ dầu ô liu vào nước). Có lẽ vì điều này mà Ashurbanipal xây dựng thư viện hoàng gia cho riêng mình sau khi ông đã ổn định xong tình hình đất nước.

Theo tài liệu ghi chép của người Ba Tư và Armenia, Alexander Đại đế đã nhìn thấy Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal khi ông đến thăm Nineveh. Lấy cảm hứng từ nó, Alexander Đại đế muốn tìm kiếm và thu thập tất cả các tác phẩm của những quốc gia mà ông chinh phục, dịch chúng sang tiếng Hy Lạp và lưu trữ chúng trong một thư viện lớn của riêng mình. Mặc dù vua của Vương quốc Macedonia không sống đủ lâu để thực hiện giấc mơ này, Ptolemy – một trong những vị tướng của Alexander được giao nhiệm vụ cai trị Ai Cập – đã thành lập Thư viện Alexandria nổi tiếng với mục đích tương tự.

Những tàn tích của thư viện Ashurbanipal

Sir Austen Henry Layard, một nhà khảo cổ học người Anh, phát hiện những tàn tích của thư viện Hoàng gia Ashurbanipal vào thập niên 1850 khi ông tham gia dự án khai quật thành phố cổ Nineveh của Bảo tàng Anh. Thư viện bao gồm hai căn phòng nhỏ nằm bên trong cung điện hoàng gia của vua Ashurbandipal với kích thước (8m × 6m) và (7m × 6m). Bên ngoài mỗi căn phòng là bức phù điêu khổng lồ với hình ảnh của vị thần cá Dagon đang đứng canh gác.Công việc khai quật diễn ra không liên tục cho đến những năm 1930.

Trong suốt quá trình khai quật, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng hơn 30.000 tấm bảng đất sét và vô số mảnh vỡ của chúng trong thư viện. Các tấm đất sét lớn nhất khá phẳng, có kích thước 23cm × 15cm. Trong khi đó, những phiến đất sét nhỏ nhất trông hơi lồi và dài không quá 2cm. Hiện tại, hầu hết các hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal đóng vai trò rất quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, số lượng lớn tấm bảng đất sét và các mảnh vỡ được phát hiện khiến thư viện cá nhân của vua Ashurbanipal trở thành một trong những bộ sưu tập văn bản lớn nhất thời cổ đại. Ngoài ra, nội dung của các tài liệu khá đa dạng, bao phủ nhiều chủ đề khác nhau như y học, thần thoại, lịch sử, tôn giáo, ma thuật, khoa học, thơ ca và địa lý. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu sâu hơn về khu vực Cận Đông cách đây hơn 2.600 năm. Tài liệu nổi tiếng nhất của thư viện là một phiên bản của sử thi Gilgamesh – một trong những tác phẩm văn học sớm nhất trong lịch sử nhân loại.

Tấm bảng đất sét trong Thư viện Hoàng gia Ashurbanipa
Tấm bảng đất sét trong Thư viện Hoàng gia Ashurbanipa ghi chép một phần sử thi Gilgamesh bằng chữ hình nêm. (Ảnh: Wikipedia).

“Vua Ashurbandipal đã cử những người ghi chép (scribe) đến mọi ngóc ngách của Đế quốc Tân Assyrian để thu thập các văn bản cổ xưa. Ông thậm chí còn thuê học giả sao chép lại những tác phẩm của người Babylon để làm phong phú thêm cho thư viện của mình”, Layardcho biết.

Năm 612 trước Công nguyên, một liên minh bao gồm người Babylon, Scythia, Medes tấn công và phá hủy thành phố Nineveh của Đế quốc Tân Assyrian. Người ta tin rằng trong quá trình cung điện của vua Ashurbandipal bị đốt cháy, ngọn lửa đã tàn phá thư viện khiến nhiều tài liệu ghi trên da động vật, gỗ, giấy cói và vật liệu sáp biến mất, đến nay chỉ còn sót lại những phiến đất sét khắc chữ hình nêm.

Trước khi khám phá Thư viện Hoàng gia Ashurbanipal, mọi thứ chúng ta biết về Đế quốc Tân Assyrian đều đến từ những câu chuyện được ghi chép trong Kinh thánh hoặc tác phẩm của các nhà sử học cổ đại. Bằng cách nghiên cứu nội dung của hàng chục nghìn tấm bảng đất sét, chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết cuộc sống của người Assyrian thông qua chính lời kể của họ.

Kể từ năm 2002 đến nay, Bảo tàng Anh và Đại học Mosul (Iraq) thực hiện một dự án mang tên “Dự án Thư viện Ashurbanipal” nhằm mục đích đưa Thư viện Ashurbanipal “trở lại với cuộc sống”. Nhóm nghiên cứu đã ghi chép và chụp ảnh tất cả các tài liệu một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Họ hy vọng dự án sẽ kích thích sự quan tâm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy và nghiên cứu các văn bản, từ đó làm tăng kiến ​​thức của chúng ta về Cận Đông thời cổ đại.

Cập nhật: 14/12/2019 Theo KHPT
  • 828