Đã gần 13 năm kể từ trận động đất và sóng thần kinh hoàng gây ra vụ tai nạn tại nhà máy hạt nhân ở Fukushima hồi 2011.
Nỗi sợ kinh hoàng của người Nhật trở lại vào ngày đầu năm 2024, khi vùng Ishikawa rung chuyển và còi báo sóng thần lại vang lên. Số người chết đã lên tới gần 50 và có khả năng còn tăng thêm. Đường xá nứt toác và cầu bị phá hủy. Hàng trăm tòa nhà sụp đổ, người dân mắc kẹt bên dưới.
Hình ảnh sau vụ động đất tại Ishikawa hôm 1/1. (Ảnh: Kyodo).
Rupert Wingfield-Hayes, cựu phóng viên BBC Tokyo, và vợ mình đã trải qua thảm họa năm 2011. Vụ động đất - sóng thần ấy đã để lại vết thương tập thể sâu sắc với người Nhật Bản. Và họ đã có thêm nhiều bài học cho tương lai.
Trong những tháng sau đó, vợ chồng Wingfield-Hayes phải tìm kiếm một nơi ở mới.
"Vợ tôi nghiên cứu bản đồ địa chất để xem nơi nào có nền vững chắc nhất, chọn vùng đất cao cách xa mọi con sông. Cô ấy bị ám ảnh bởi số năm tuổi của các tòa nhà", Wingfield-Hayes nhớ lại, nói rằng vợ ông đã loại những căn nhà xây trước năm 1981.
Sau khi chuyển đến tòa nhà được xây từ năm 1985, họ bắt đầu tích trữ lương thực và nước uống. Dưới bồn rửa trong phòng tắm là những hộp carton đồ ăn đóng gói sẵn có thời hạn sử dụng 5 năm.
Bất chấp thiệt hại nặng nề, trận động đất ngày 1/1 vừa qua cũng là một câu chuyện đáng chú ý về sự thành công của Nhật Bản trong việc giảm nhẹ thiệt hại từ thảm họa.
Thực tế, những kinh nghiệm trong đối phó với động đất của Nhật Bản đã được tích lũy qua một thế kỷ, kể từ trận động đất lớn tại Kanto năm 1923 khiến thành phố bị san phẳng, 140.000 người chết.
Hậu quả nghiêm trọng năm đó đã buộc nước này phải soạn thảo bộ quy tắc xây dựng chống động đất đầu tiên. Từ đó trở đi, các tòa nhà mới sẽ cần được gia cố bằng thép và bê tông. Các tòa nhà bằng gỗ sẽ có dầm dày hơn.
Mỗi lần đất nước hứng chịu một trận động đất lớn, thiệt hại đều được nghiên cứu và các quy định được cập nhật.
Bước nhảy vọt lớn nhất diễn ra vào năm 1981, khi tất cả các tòa nhà mới đều yêu cầu các biện pháp cách ly địa chấn. Một lần nữa là sau trận động đất Kobe năm 1995, nhiều bài học đã được rút ra.
Nhật Bản không báo cáo các trận động đất theo cường độ (richter), mà tính theo độ rung lắc mặt đất. Thang cường độ địa chấn Nhật Bản (JMA) tính bằng đơn vị shindo (độ lắc), từ 1 đến 7. Trong vụ động đất ở Ishikawa, độ rung lắc đạt mức tối đa là 7.
JMA vận hành 180 địa chấn kế và 627 máy đo cường độ địa chấn, báo các trận động đất theo thời gian thực cho các phương tiện truyền thông và qua Internet.
Thước đo cho sự thành công của Nhật Bản là khi trận động đất mạnh 9,0 độ richter xảy ra vào năm 2011, độ rung chuyển ở Tokyo đã lên tới cấp 5. Con số này tương đương với độ rung lắc mà thủ đô nước này phải gánh chịu vào năm 1923.
Nhưng năm 2011, những tòa nhà chọc trời khổng lồ rung chuyển, cửa sổ vỡ tan nhưng không có tòa nhà lớn nào bị đổ. Chính cơn sóng thần đã giết chết hàng nghìn người chứ không phải những chấn động trên mặt đất.