Sự đồng bộ cảm xúc ở con người là nguyên nhân khiến những "căn bệnh" này lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng.
Đừng quá sợ hãi! Những "căn bệnh truyền nhiễm" ở đây thực chất chỉ là những hành vi và biểu hiện cảm xúc mà chúng ta đã vô tình bắt chước nhau trong vô thức.
Bạn không tin hả? Hãy thử nghía qua một vài biểu hiện cảm xúc có tính lan truyền này trong bài viết sau đây.
Để hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là những khi mệt mỏi, chúng ta thường hít thở sâu để bơm không khí lên não và "làm nguội" nó. Đó chính là lý do chúng ta ngáp.
Tuy nhiên, hãy thử để ý mà xem. Đôi lúc bạn nhìn thấy một người ngáp, tự nhiên bạn cũng ngáp theo. Tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Đôi lúc bạn nhìn thấy một người ngáp, tự nhiên bạn cũng ngáp theo.
Theo một số nghiên cứu, con người có thiên hướng ngáp theo người khác do sự thấu cảm hoặc khả năng liên kết với người khác về mặt cảm xúc.
Để chứng minh mối quan hệ này, các nhà tâm lý học ở ĐH Leeds (Anh) đã thực hiện một thí nghiệm với 80 sinh viên. Từng người họ được cho vào một phòng chờ và quan sát một người ngáp nhiều lần trong nhiều phút.
Con người thời xưa sống theo bầy đàn khép kín, do đó sự đồng cảm trong cộng đồng là rất cao.
Kết quả thu được rằng, những sinh viên tâm lý - ngành học luôn đòi hỏi việc quan sát con người - cho phản ứng ngáp lại nhiều gấp 3 lần những sinh viên thông thường. Điều này cho thấy những người có khả năng đồng cảm cao càng có xu hướng dễ... bị lây căn bệnh này.
Các chuyên gia cho biết, sự lây lan này thực chất đã có từ rất lâu đời. Con người thời xưa sống theo bầy đàn khép kín, do đó sự đồng cảm trong cộng đồng là rất cao. Hơn nữa, do ngáp là một cách để "khởi động lại" não bộ nên sự lây lan là cần thiết nhằm tăng sự cảnh giác của tập thể.
Ngứa cũng có tính lan truyền tương tự ngáp. Và bạn cảm thấy "ngứa ngứa" không đơn thuần chỉ dựa vào việc nhìn ai đó đang gãi, mà còn do mức độ cảm nhận xúc cảm của bạn nữa.
Ngứa cũng có tính lan truyền tương tự ngáp.
Một nghiên cứu đã được thực hiện tại các trường ĐH tại thành phố Hull (Anh) với 51 người trưởng thành. Sau khi làm bài kiểm tra tính cách, họ được xem những đoạn video chiếu cảnh 1 số người gãi, rồi thông báo lại xem họ có cảm giác muốn gãi ngứa hay không và mức độ của cảm giác đó như thế nào.
Việc nhìn thấy ai đó đang gãi sẽ gây kích ứng cho khu vực não bộ hoạt động như khi tự bản thân chúng ta thấy ngứa.
Kết quả là khoảng 64% người tham gia đã gãi ít nhất một lần khi xem những hình ảnh người khác đang gãi. Theo kết quả chụp cộng hưởng từ của não, việc nhìn thấy ai đó đang gãi sẽ gây kích ứng cho khu vực não bộ hoạt động như khi tự bản thân chúng ta thấy ngứa.
Còn kết quả của các bài kiểm tra tính cách cho thấy những ai thuộc tuýp dễ xúc cảm hay "dễ trải qua những cảm xúc không tích cực" có xu hướng cảm thấy ngứa và gãi nhiều hơn những người còn lại.
Cười là một trong những phản ứng cơ bản nhất của cơ thể người. Chúng ta cười khi cảm thấy vui, cảm thấy thoải mái. Hơn nữa, cười còn rất có lợi cho sức khỏe, khi giúp cơ thể tiết ra các chất peptide thần kinh, dopamine hay serotonin - những hormone có tác dụng làm giảm căng thẳng, thư giãn cơ thể, giảm huyết áp...
Nhưng điểm tuyệt vời nhất của hành động này đó là tính lây lan. Nguyên do là vì về cơ bản, con người thường có xu hướng làm theo những gì đám đông đang thực hiện. Hiện tượng này được gọi là "tâm lý bầy đàn".
Theo nhà tâm lý học Robert Cialdini, các show hài kịch trên TV được lồng thêm tiếng cười trong đó là vì lý do này.
Hiện tượng này được gọi là "tâm lý bầy đàn".
Sâu hơn một chút, khi nhìn thấy người khác cười, vùng vỏ não của chúng ta được kích hoạt, giúp tiết ra những hóa chất vui vẻ như serotonin và dopamine khiến cơ thể trở nên thoải mái hơn.
Và khi thoải mái hơn rồi, việc chúng ta cười theo cũng giống như được ban thưởng một thứ gì vậy.
Ngay cả việc cảm thấy cái lạnh cũng có thể lây lan. Theo các nhà nghiên cứu của ĐH Sussex, chỉ cần nhìn ai đó run lên vì lạnh hay rùng mình cũng đủ để người quan sát cảm thấy lạnh. Đây được gọi là hiện tượng lây nhiệt độ.
Họ đã thực hiện một thí nghiệm với 36 người tham gia. Những người này được xem 8 đoạn phim có diễn viên nhúng tay vào nước ấm hoặc nước lạnh. Trong lúc đó các nhà nghiên cứu sẽ đo nhiệt độ tay của những người này.
Việc cảm thấy cái lạnh cũng có thể lây lan.
Kết quả cho thấy dù nhiệt độ cơ thể không thay đổi, nhiệt độ tay của những người tham gia lại lạnh hơn đáng kể khi xem những đoạn phim có nước lạnh.
Điều này cho thấy, những thay đổi sinh lý học vô thức này xảy ra như một cách giúp chúng ta đồng cảm với người khác và để hiểu rõ hơn cảm giác của họ.
Theo tiến sĩ tâm thần học Neil Harrison: "Con người là những sinh vật có tính xã hội sâu sắc, và những thành công của con người đều đến từ khả năng làm việc cùng nhau. Trong đó, sự đồng điệu của những phản ứng sinh lý học có thể tạo điều kiện để kết nối cảm xúc, giúp khả năng làm việc trở nên hiệu quả hơn".
Những thay đổi sinh lý học vô thức này xảy ra như một cách giúp chúng ta đồng cảm với người khác.
Ở thí nghiệm trên, những đoạn phim có nước ấm chưa có tác dụng gây cảm giác nhưng điều này có thể cho thấy con người nhạy cảm hơn khi thấy người khác lạnh.
Các nhà nghiên cứu đến từ viện nghiên cứu Max Planck - Đại học kỹ thuật Dresden (Đức) đã đưa đến kết luận rằng, chỉ cần xem một tình huống gay cấn, hồi hộp trên màn hình cũng đủ để ta bị stress nhẹ.
Họ đã thực hiện thí nghiệm trên gần 400 người, được phân ra theo từng cặp. Theo đó, một người sẽ làm toán hoặc được phỏng vấn xin việc, người còn lại sẽ ngồi quan sát.
Mức stress cũng thay đổi theo độ thân thiết.
Kết quả cho thấy rằng, 95% người trực tiếp thực hiện có sự xuất hiện của hormone stress, nhưng đồng thời 30% người quan sát cũng vậy. Mức stress cũng thay đổi theo độ thân thiết: 40% người quan sát đã rất căng thẳng khi thấy người yêu của mình chịu đựng stress. Con số này ở những người lạ là 10%.
Những kết quả này thật ra không quá bất ngờ. Ví dụ trong đời sống hàng ngày, khi có một người nào đó bồn chồn không yên, đi qua đi lại, chúng ta cũng sẽ căng thẳng, lo âu theo.